Dẫu là huyện miền núi với rất nhiều trở lực song Vân Canh đang là huyện dẫn đầu công tác DS-GĐ và TE của tỉnh. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công này là ở sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban DS-GĐ và TE của huyện với các ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn trong chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu.
|
Trao quà từ thiện Vinamilk cho trẻ em nghèo huyện miền núi Vân Canh. Ảnh: L.A
|
Như nhiều huyện miền núi khác trở lực trong công tác DS-GĐ và TE mà Vân Canh phải đối mặt là đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban DS-GĐ và TE với các ngành, đoàn thể liên quan nên huyện đã hoàn thành tốt các mục tiêu công tác DS-GĐ và TE trong năm 2006 và được coi là huyện lá cờ đầu.
Toàn huyện có 7 cán bộ chuyên trách xã, thị trấn và 52 cộng tác viên là nhân viên y tế thôn bản. Đội ngũ này, năm qua, đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động, nhất là tuyên truyền vận động trực tiếp tại các hộ gia đình và các tổ, nhóm; phối hợp với Hội Nông dân xây dựng 2 câu lạc bộ (CLB) “Nông dân-dân số phát triển ở các xã Canh Vinh và Canh Hiển, bước đầu có 40 cặp vợ chồng tham gia; phối hợp với Hội Phụ nữ xây dựng 18 tổ, nhóm phụ nữ không sinh con thứ 3 ở 18 thôn, làng, với 541 hội viên và 2 CLB gia đình bền vững. 7/7 xã, thị trấn đã tổ chức tốt 2 đợt chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép với chăm sóc SKSS đến với vùng cao, vùng sâu. Chiến dịch đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số về chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Năm 2006, huyện Vân Canh có 410 trẻ em sinh ra, giảm 16 em so với năm trước; trong đó có 68 em là con thứ 3 (giảm 11 em); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 16,5%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,1%; có 19/48 thôn, làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; có 1.672 người mới áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 109% so với chỉ tiêu; có 61% trẻ em có HCĐBKK được quan tâm chăm sóc bằng những giải pháp cụ thể. |
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm thỏa đáng. Hàng năm, đến dịp Tết Nguyên đán, huyện chủ trương đón trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định về quê ăn tết. Năm 2006, đón 13 em và tặng quà cho các em trị giá 2,2 triệu đồng; thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 10 trẻ em bị tai nạn rủi ro, bị xâm hại với số tiền 2,4 triệu đồng; hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 trường hợp đi phẫu thuật tim bẩm sinh; tặng quà nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu cho 463 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK), trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng cao, vùng sâu với số tiền hơn 15 triệu đồng. Có 30 trẻ em nghèo “vượt khó học giỏi” được nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện với số tiền 6 triệu đồng; 22 em nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh với số tiền 11 triệu đồng; 15 em nhận quà từ thiện Vinamilk trị giá 7,5 triệu đồng; 13 em nhận quà của ngành LĐ-TB và XH, trị giá 2,6 triệu đồng.
Tổ chức khám bệnh phân loại cho 17 trẻ em khuyết tật, có 2 em được phẫu thuật chỉnh hình cơ quan vận động; 3 em được cấp xe lăn, xe lắc, mỗi chiếc trị giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng; đưa 7 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định. Năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện cũng đã huy động sự đóng góp của nhân dân được 39,5 triệu đồng và đã chi 27,4 triệu đồng cho công tác chăm sóc trẻ em có HCĐBKK, cứu trợ hàng chục trường hợp trẻ em trong huyện bị tai nạn rủi ro. Chương trình 19 về ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại được triển khai khá tốt cho các cơ sở, nhất là các xã Canh Vinh, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh.
Ngoài ra, thông qua các hình thức: hội nghị, diễn đàn, thi tìm hiểu về Luật BVCS và GD trẻ em đã giúp cho cán bộ, người dân, nhất là các em nâng cao hiểu biết về quyền và bổn phận của mình.
|