Dự án cung cấp thông tin, dịch vụ SKSS/KHHGĐ và tư vấn tiền hôn nhân cho thanh niên, vị thành niên được thực hiện thí điểm ở 6 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố trong tỉnh. Sau 1 năm triển khai, mới đây, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh phối hợp với Ủy ban DS-GĐ&TE các huyện, thành phố được hưởng lợi đã tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng hiểu biết, thái độ, hành vi của thanh thiếu niên.
|
Sẻ chia. Ảnh: L.A
|
1. Mục đích của cuộc điều tra, khảo sát là nhằm đánh giá thực trạng hiểu biết, thái độ và hành vi của thanh niên, vị thành niên trong chăm sóc SKSS trên địa bàn thực hiện dự án để trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của dự án. Cuộc điều tra, khảo sát được tiến hành tại phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), thị trấn Đập Đá (An Nhơn), thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân), xã Bình Tường (Tây Sơn) và xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ) - là những nơi hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Thông qua phiếu phỏng vấn, mỗi địa phương khảo sát 150 thanh niên, vị thành niên (tất cả là 900 bạn, trong đó có 444 nam, 456 nữ), tuổi từ 15 đến 24, đông nhất là ở lứa 15-18 tuổi.
2. Về các dấu hiệu tuổi dậy thì, đa số các em đều hiểu biết về dấu hiệu có kinh lần đầu (đối với nữ) và xuất tinh lần đầu (đối với nam); các dấu hiệu khác như: tăng về chiều cao, cân nặng; ngực lớn lên và thấy đau; xuất hiện lông ở vùng kín; thay đổi tính tình; mụn trứng cá và quan tâm đến bạn khác giới được các em quan tâm, tìm hiểu và trả lời đúng tới 88,9% khi có gợi ý của điều tra viên. Về sinh lý thụ thai, được dự án thường xuyên cung cấp thông tin và tư vấn cho các em tại cộng đồng thông qua các đợt truyền thông, tư vấn và khám SKSS cho thanh niên, vị thành niên nên có hơn 76% các em hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, sinh lý thụ thai.
Nạo phá thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh niên, vị thành niên. Phá thai không an toàn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong, vô sinh, nhiễm trùng. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết về những hậu quả của phá thai cho thanh niên, vị thành niên được dự án tác động, đã giúp cho nhiều thanh niên, vị thanh niên thấy được tác hại của phá thai không an toàn, và giúp các em thay đổi hành vi tình dục, giảm tỷ lệ phá thai và mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Riêng về HIV/AIDS, 100% các em đều nghe nói, biết các đường lây nhiễm và biết cách đề phòng bệnh.
3. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiểu biết của các em về tình dục lành mạnh, an toàn còn rất hạn chế. Có trên 70% số em có khái niệm về tình dục an toàn là tình dục sau hôn nhân (?) và trên 29% số em chưa nghe nói đến tình dục lành mạnh, an toàn. Đây là vấn đề khá nhạy cảm với thanh niên, vị thành niên. Những hiểu biết không đầy đủ này có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi tiêu cực trong quan hệ tình dục dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe và tâm lý nếu xảy ra trường hợp có thai ngoài ý muốn, hoặc nhiễm khuẩn đường sinh sản và mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Các bệnh lây qua đường tình dục được tuyên truyền giáo dục thường xuyên, tuy nhiên tỷ lệ thanh niên, vị thành niên hiểu biết về bệnh phụ khoa, bệnh lậu và giang mai còn có nhiều hạn chế.
Nhận thức đúng về các biện pháp tránh thai (BPTT) và biết về nơi cung cấp các BPTT là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tình dục an toàn và phòng tránh có thai ngoài ý muốn. Nhưng chỉ có 61 em biết về các BPTT; có tới 627 em không biết gì về các BPTT và có 212 em không trả lời. Về nơi cung cấp các BPTT, có 304 em biết nơi bán và cung cấp bao cao su và viên uống tránh thai, 596 em không biết.
4. Thông qua phiếu điều tra, nhiều em cho biết, nên tổ chức tuyên truyền về các BPTT cho thanh niên, vị thanh niên, giúp các em biết biện pháp nào là phù hợp và biết sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, số đông các em không đồng ý việc cung cấp các BPTT cho thanh niên, vị thành niên. Đây là vấn đề nhạy cảm và có thể do e ngại nên các em chưa dám nói về nhu cầu cần sử dụng các BPTT.
Một trong những chỉ tiêu đánh giá hành vi thực hành của thanh niên, vị thành niên trong chương trình chăm sóc SKSS là khả năng đáp ứng nhu cầu của hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho họ. Thực tế hiện nay, đối tượng thanh niên, vị thành niên là đối tượng bị bỏ quên trong chương trình DS-KHHGĐ. Ngay dự án mà Ủy ban DS-GĐ&TE triển khai cho 6 xã, phường, thị trấn nói trên cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, tư vấn về SKSS chứ chưa quan tâm tới cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
Qua khảo sát cho thấy, sự hiểu biết của thanh niên, vị thành niên trên địa bàn triển khai Dự án về SKSS có sự tiến bộ. Nhưng, sự hiểu biết của các em chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, các em chưa được trang bị một cách đầy đủ và hệ thống về chăm sóc SKSS. Cũng qua đợt khảo sát lần này, chúng ta có thể khẳng định nhu cầu về chăm sóc SKSS của thanh niên, vị thành niên là có thật; vấn đề còn lại là việc đáp ứng nhu cầu như thế nào cho thuận tiện, gần gũi và thân thiện với các em.
|