Sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế -xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.
|
Tiêm phòng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi ở Trung tâm y tế Phù Cát. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Ngay sau khi Pháp lệnh Dân số được ban hành, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Dân số. Ủy ban DS-GĐ&TE các cấp đã thực hiện triển khai tuyên truyền Pháp lệnh một cách liên tục, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Bước đầu, một số suy nghĩ và nhận thức lệch lạc về quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng và cá nhân trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số đã được uốn nắn và điều chỉnh.
Hàng năm, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, kế hoạch chương trình DS-GĐ&TE cho các địa phương, các ngành, đoàn thể liên quan và bổ sung một số chính sách, mức chi đặc thù của chương trình. Hệ thống cung cấp dịch vụ về chăm sóc SKSS-KHHGĐ được củng cố và phát triển với chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Hiện có 11/11 huyện, thành phố đã thực hiện được kỹ thuật triệt sản; 138/157 xã, phường đã thực hiện được các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ (đạt tỷ lệ 87,9%).
Mạng lưới cung cấp các phương tiện tránh thai tiếp tục được mở rộng, các biện pháp tránh thai tương đối đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng có cơ hội để lựa chọn biện pháp phù hợp. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai được duy trì ở mức cao, từ 84,7 - 87,1%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 78,1 - 81%. Đặc biệt, số người mới sử dụng biện pháp tránh thai trong năm tăng từ 86,6% (năm 2003) lên 102,5% (năm 2006).
So sánh giữa năm 2003 và năm 2006:
Tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 19,6%, giảm xuống còn 18,3%; Tỷ suất sinh thô từ 16,4‰ giảm còn 15,45‰.
Từ 69.000 người thực hiện các biện pháp tránh thai tăng lên 83.000 người. Trong đó, tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 78% tăng lên 81% năm 2006; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi từ 32‰ giảm xuống còn 28,5‰; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 26,55% giảm còn 23,5%. |
Chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến các vùng khó khăn đã được triển khai một năm 2 đợt với quy mô ngày càng mở rộng; từ 41,4% số xã (năm 2003) lên 100% số xã, phường (năm 2006), tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ có chất lượng.
Cùng với các chính sách của trung ương, tỉnh đã đề ra một số chính sách khuyến khích lợi ích trực tiếp cho người thực hiện KHHGĐ và người cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ như: cấp miễn phí cho người đăng ký sử dụng bao cao su tránh thai, viên uống tránh thai ở các xã vùng núi thấp, vùng cao, vùng sâu, hải đảo và những hộ nghèo của các xã đồng bằng; bồi dưỡng cho người triệt sản 200.000 đồng và cấp thẻ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thời hạn 2 năm (tăng 50.000 đồng so với quy định của trung ương)…
Bên cạnh đó, các chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, uống Vitamin A… được duy trì với tỷ lệ 100% . Đặc biệt, việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện thường xuyên tại 157/157 xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Mô hình “Kiểm tra sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân” lồng ghép với “Tăng cường cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS-KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên” đã được triển khai ở 11 xã của 11 huyện, thành phố với 55 câu lạc bộ thu hút 1.650 thành viên tham gia sinh hoạt.
|