Theo kết quả thống kê hằng năm của Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh, tỉ lệ nam giới áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chưa bao giờ lên đến… 20%. Phụ nữ vẫn là “khách hàng” chính của chương trình dân số-KHHGĐ.
|
CLB thanh niên phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) tổ chức Hội thi kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Hơn 80% “khách hàng” là... phụ nữ
Việc thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) để giảm mức sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đòi hỏi sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, nam giới vẫn còn thờ ơ và cho rằng đây là chuyện riêng của phụ nữ (?).
Bà Trần Thị Ngọc Như, Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE huyện Vân Canh, cho biết: “Bình quân mỗi năm, huyện Vân Canh có khoảng 70- 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT hiện đại, nhưng hầu như chỉ tập trung ở phụ nữ. Từ năm 2000 đến nay, số nam giới thực hiện biện pháp đình sản chỉ đếm trên đầu ngón tay và số người áp dụng biện pháp dùng bao cao su cũng rất ít”.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, gần như chỉ có nữ giới tham gia biện pháp đình sản. Cụ thể, năm 2006, toàn tỉnh có khoảng 500 người tham gia biện pháp đình sản thì đã có đến 490 người là nữ. Và đến thời điểm này, BPTT được sử dụng chủ yếu vẫn là đặt vòng chiếm 50-60%, thuốc uống tránh thai 10-15%, biện pháp đình sản chỉ 4-6% nhưng hầu hết vẫn là nữ giới thực hiện, còn BPTT bằng bao cao su lạc quan lắm cũng chỉ 8-10%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh, sở dĩ có quan niệm “lệch lạc” nói trên là do ngay trong chính sách thực hiện chương trình dân số cũng đã có vấn đề. Chúng ta vẫn hô khẩu hiệu vận động mọi người áp dụng BPTT nhưng lâu nay các phương tiện tránh thai cung cấp cho cộng đồng vẫn “ưu tiên” cho nữ. Hơn nữa, chính trong quan niệm cũng đã có sự bất bình đẳng giới.
* Cần thay đổi nhận thức
Việc nam giới “từ chối” tham gia các biện pháp KHHGĐ tác động rất lớn đến quy mô dân số, ảnh hưởng chất lượng sống, cũng như kéo dài tình trạng bất bình đẳng giới trong thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em.
Năm 2003, toàn tỉnh có 69.533 người thực hiện các BPTT, trong đó có 24.287 người sử dụng bao cao su, 460 trường hợp đình sản. Tương ứng, năm 2004 có 77.472 người áp dụng BPTT, trong đó 26.962 bao cao su, 376 đình sản. Năm 2005 có 78.500 người, trong đó 26.408 bao cao su, 464 đình sản. Năm 2006 có 83.982 người, trong đó 28.000 bao cao su và 500 đình sản. |
Ông Điểm cho biết: “Qua kết quả thực hiện các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các xã vùng khó khăn cho thấy, tỉ lệ phụ nữ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục tương đối cao, đặc biệt có khoảng 40-60% phụ nữ bị nhiễm trùng đường sinh sản và không thể áp dụng các BPTT”.
Ông Điểm cho biết: “Ở các nước, nam giới sử dụng bao cao su chiếm tới 50-70% số người áp dụng BPTT. Tôi có dịp đi đến một số nước thì thấy rằng, các dịch vụ tránh thai cho “quý ông” rất sẵn có và được bán rộng rãi, công khai, trong khi ở nước ta, muốn mua cũng phải lén lút, giấu giiếm vì sợ bị dị nghị. Do đó, cần phải có cái nhìn đúng đắn về việc thực hiện KHHGĐ và có chính sách tuyên truyền phù hợp. Ngay chính bản thân nam giới cũng phải chia sẻ trách nhiệm trong việc thực hiện KHHGĐ”.
Năm 2007, trong khuôn khổ của dự án VIE/03/P20, các ngành trong tỉnh đang và sẽ tổ chức hàng loạt chương trình thảo luận nhóm, mít tinh tuyên truyền nhằm huy động sự tham gia của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ. Ngoài việc cung cấp thông tin, mục đích chính của các hoạt động này còn là thu thập thông tin phản hồi về sử dụng các BPTT của nam giới.
|