BỆNH THỪA CÂN VÀ BÉO PHÌ Ở TRẺ EM:
Tỉ lệ ngày càng cao!
15:43', 28/9/ 2007 (GMT+7)

Bệnh béo phì ở trẻ em khó điều trị. Ảnh: H.H (st)

Nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm rằng, trẻ em béo (mập) mới là khỏe trong khi các nhà chuyên môn lại khuyến cáo, bệnh béo phì ở trẻ em còn nguy hiểm và khó điều trị hơn cả suy dinh dưỡng.

* Những con số đáng báo động

Kết quả nghiên cứu trên số học sinh lứa tuổi 6-11 tại 6 trường tiểu học ở TP Quy Nhơn và 6 trường thuộc khu vực thị trấn ở 3 huyện Hoài Nhơn, An Nhơn và Tuy Phước của thạc sĩ Nguyễn Điểm, giảng viên Đại học Quy Nhơn, cho thấy: tỉ lệ béo phì chung là 5,63%. Trong đó, TP Quy Nhơn có tỉ lệ cao nhất về số học sinh mắc bệnh béo phì (8,33%). Đây là những con số rất đáng lo ngại. Bởi vì, tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010 (tỉ lệ thừa cân ở trẻ em dưới 5%).

* Béo là... khỏe, đẹp?

Trong quá trình điều tra, ông Điểm nhận thấy, rất nhiều phụ huynh cho rằng trẻ em béo là khỏe, là đẹp; nuôi con càng béo càng chứng tỏ được sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái, cũng đồng thời thể hiện khả năng kinh tế dồi dào của mình(?) Có rất ít phụ huynh nhận thức đúng về bệnh béo phì ở trẻ em; một số người không quan tâm đến việc phòng chống và điều trị khi con bị béo phì.

Theo các nhà chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em nhưng chủ yếu vẫn là do chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động không phù hợp nên cơ thể trẻ không thể cân bằng năng lượng.

Bác sĩ Trần Như Luận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, cho rằng: quan niệm trên là hết sức sai lầm. Ngày nay, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể nên nhu cầu ăn uống cũng được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là các bậc phụ huynh thường chỉ muốn con ăn nhiều mà không quan tâm đến việc cân đối các thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ. Chế độ ăn có quá nhiều chất dinh dưỡng nhưng trẻ lại ít vận động, cùng với sức ép học tập, thói quen ngồi ì xem tivi, chơi game… làm cho cân nặng của trẻ vượt ngưỡng bình thường. 

* Phòng bệnh béo phì ở trẻ em - mảng trống!

Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, cho biết: “Biến chứng của bệnh béo phì ở trẻ em còn nguy hiểm hơn cả suy dinh dưỡng. Trẻ bị bệnh béo phì có rất nhiều nguy cơ: mắc bệnh đường hô hấp, dậy thì sớm (nhất là trẻ em gái), rối loạn về hành vi, đái đường, biến dạng về xương đùi (có những em bị cong cả xương đùi), bị rạn da, rối loạn sắc tố da… Những nguy cơ trên sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Với những trẻ bị béo phì nặng còn có nguy cơ ngưng thở khi ngủ, gắng thở do quá sức dẫn đến bị suy tim…”.

Ngày 31.7.2007, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát bệnh béo phì thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực: điều trị, nghiên cứu, dịch tễ và cung cấp thông tin; cung cấp những xét nghiệm về dinh dưỡng để chẩn đoán sớm những rối loạn chuyển hóa; nghiên cứu dịch tễ về thừa cân, béo phì, khẩu phần ăn, thức ăn và chế độ ăn của người Việt Nam.

Theo các bác sĩ, điều trị bệnh béo phì trẻ em nhất thiết không được dùng thuốc mà chỉ có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và vận động ngoài trời. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục nhằm trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh béo phì ở trẻ em cho phụ huynh và nhà trường để phòng chống là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, từ trước đến nay, đối với ngành y tế, mảng tuyên truyền này vẫn còn bỏ ngỏ.

Thạc sĩ Hùng cho biết: “Trong thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn ưu tiên nhiều hơn cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng, còn đối với bệnh béo phì ở trẻ em, tỉnh ta vẫn chưa có bác sĩ chuyên sâu nên rất khó triển khai chương trình tuyên truyền, giáo dục. Tư vấn bệnh béo phì trẻ em rất khó và mất nhiều thời gian, chưa kể phải phân tích khẩu phần ăn phù hợp cho trẻ và làm thay đổi nhận thức của phụ huynh”.

Tình trạng trẻ em bị thừa cân và béo phì đã trở thành một nguy cơ thật sự đối với sức khỏe cộng đồng và việc xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục về bệnh này là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần phải tạo ra môi trường học tập, vui chơi phù hợp với lứa tuổi.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền trẻ em  (14/09/2007)
Hạnh phúc của trẻ em nghèo  (07/09/2007)
Phụ nữ vẫn “nặng gánh”  (31/08/2007)
Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em?  (24/08/2007)
Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em?  (24/08/2007)
Trẻ em được chăm sóc tốt hơn   (10/08/2007)
Đak Mang - Nỗi lo trẻ em suy dinh dưỡng  (20/07/2007)
Căn bản đạt mức sinh thay thế  (13/07/2007)
Nam giới là bạn đồng hành trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ  (11/07/2007)
Thêm nhiều niềm vui cho trẻ em nghèo  (06/07/2007)
Hạnh phúc đã mỉm cười  (29/06/2007)
“Chuyện ấy” - ai biết, ai chưa?  (15/06/2007)
Thắng lợi vượt bậc !  (08/06/2007)
Điển hình Vân Canh  (11/05/2007)
Quy Nhơn căn bản đạt mức sinh thay thế  (20/04/2007)