|
UBDSGĐ&TE tỉnh trao quà cho trẻ em lớp học tình thương phường Đống Đa (Quy Nhơn). Ảnh: La Ánh |
Thực hiện Đề án Ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống (giai đoạn 2005-2010) theo tinh thần Quyết định 19/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, giúp các em từ bỏ cuộc sống lang thang, trở về với gia đình và cộng đồng. Theo thống kê, 51% số trẻ em hồi gia đã ổn định cuộc sống và học tập.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 19/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, UBND tỉnh có kế hoạch 04/KH-UB triển khai thực hiện. Theo đó, ngành DS-GĐ&TE chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Quyết định nói trên và trực tiếp triển khai thực hiện 2 đề án “Truyền thông vận động và nâng cao năng lực quản lý” và “Ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang (TELT) kiếm sống”.
Hàng năm, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, phân bổ kinh phí và hướng dẫn nội dung tuyên truyền, các hoạt động cụ thể cho các địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí cho các xã có TELT và trẻ em có nguy cơ lang thang. Đề án rất chú trọng tới công tác tuyên truyền vâïn động trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tuyên truyền trực tiếp cho người dân thấy tác hại việc trẻ em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống, phương pháp phòng ngừa TELT, quyền và bổn phận của trẻ em đã được Luật BVCS&GD trẻ em và Công ước Liên hiệp quốc quy định. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa và giảm dần tiến tới giảm cơ bản TELT. Đã hỗ trợ 34 xã trọng điểm tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, nói chuyện chuyên đề, tư vấn theo nhóm; 62 xã, phường, thị trấn tổ chức diễn đàn và tư vấn cộng đồng về công tác bảo vệ trẻ em đặc biệt khó khăn; 40 liên đội tổ chức hội thi tìm hiểu Luật BVCS&GDTE, quyền và bổn phận của trẻ em. Ngoài ra, Ban DS-GĐ&TE các xã, phường, thị trấn còn tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt nhóm cho các gia đình có TELT tại cộng đồng. Sau khi được tập huấn về công tác xã hội với TELT, các cộng tác viên đã tự tin hơn trong công tác tư vấn và chất lượng các buổi tư vấn được cải thiện đáng kể. Ngoài công tác tuyên truyền tư vấn, các cộng tác viên còn quản lý, theo dõi các đối tượng TELT và có nguy cơ lang thang; tổ chức ký cam kết giữa gia đình với chính quyền địa phương trong việc phối hợp giáo dục không để TELT. Từ năm 2005 đến nay đã tư vấn cho 105 gia đình có TELT và 1.200 trẻ em và gia đình trẻ em có nguy cơ lang thang.
Song song với việc thực hiện đề án, các chương trình trợ giúp trẻ em có HCĐBKK, các chương trình xóa đói, giảm nghèo; cứu trợ xã hội; hỗ trợ đột xuất và chính sách chăm sóc dựa vào cộng đồng cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, trẻ em bị nhiễm HIV; chính sách hỗ trợ học tập văn hóa, học nghề cho trẻ em có HCĐBKK đã tạo điều kiện cho nhiều em vươn lên trong cuộc sống, nhất là nhóm trẻ em có nguy cơ lang thang. Hiện có 211 em đang theo học tại 17 lớp học tình thương trong tỉnh. Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã hỗ trợ quần áo, sách vở và đồ dùng học tậïp cho các em trị giá hơn 10 triệu đồng; hỗ trợ nguồn vốn cho 4 xã khó khăn, mỗi xã 20 triệu đồng, giúp các gia đình có trẻ em hồi gia và gia đình có trẻ em có nguy cơ lang thang phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, chăm lo học tập cho các em.
Trong 3 năm qua có 86 trẻ em trong tỉnh lang thang kiếm sống ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, và có khoảng 200 em ở các tỉnh khác lang thang tại TP Quy Nhơn và các thị trấn trong tỉnh. Qua vận động, 26 em lang thang ở TP Hồ Chí Minh đã hồi gia và 22 em ở các tỉnh khác lang thang ở TP Quy Nhơn đã trở về với gia đình. Tuy nhiên, việc trợ giúp ổn định cuộc sống lâu dài cho các em và gia đình các em còn nhiều bất cập, nên nguy cơ tái lang thang là có thật và số trẻ em có HCĐBKK, nếu không có những giải pháp tích cực, có thể sau Tết Nguyên đán nhiều em sẽ bỏ học, lang thang lao động kiếm sống.
|