CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ TRẺ EM:
Thêm nhiều đối tượng được ưu tiên
18:17', 31/1/ 2008 (GMT+7)

Năm 2007 là năm đầu tiên dự án “Tăng cường chất lượng và sử dụng các dịch vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh Bình Định” đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, trong đó ưu tiên cho vùng khó khăn. Mục tiêu này sẽ còn tiếp tục duy trì cho đến khi kết thúc dự án.

 

Trong 2 năm cuối của dự án (2007-2008), các hoạt động chăm sóc SKSS đều tập trung ưu tiên vùng khó khăn.

 

* Ưu tiên vùng khó khăn

Sự khác biệt trong các hoạt động của dự án trong năm 2007 so với các năm trước là tất cả các hoạt động đào tạo và truyền thông không còn dàn trải mà tập trung vào vùng khó khăn.

Trong đào tạo, ngành Y tế tiếp tục triển khai hoạt động “sản khoa hóa” đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, đặc biệt tập trung cho các huyện trung du và miền núi. 4 bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện An Lão, Tây Sơn, Phù Mỹ và BVĐK Khu vực Bồng Sơn được đào tạo về sản phụ khoa tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM). 40 nhân viên y tế đang làm việc tại các xã miền núi cũng đã được đào tạo kỹ năng đỡ đẻ một cách bài bản.  

Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ở các xã miền núi do giao thông cách trở và thói quen nên nhiều đồng bào thiểu số vẫn sinh tại nhà. Ngành có chủ trương đào tạo các bà đỡ dân gian để họ có kiến thức thực hành đỡ đẻ tại nhà cho sản phụ. Thực tế đã chứng minh đây là hoạt động rất hiệu quả, hạn chế các nguy cơ về sản khoa”.

Hệ thống quản lý thông tin y tế được triển khai thành công tại 7 bệnh viện và trung tâm y tế huyện, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị y tế được tăng cường và đẩy mạnh.

Với mục tiêu truyền thông vận động nhằm thay đổi hành vi, cải thiện chất lượng sử dụng các dịch vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em, nên ngoài các hoạt động mang tính chất chuyên môn của ngành Y tế và dân số, các tiểu ban tham gia dự án cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tại cộng đồng. Các hoạt động này diễn ra với tần suất cao, tạo chuyển biến cho chương trình dân số, chăm sóc SKSS cho công nhân, vị thành niên, phòng chống tai nạn thương tích, bạo hành gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS… của các địa phương và tác động trên quy mô toàn tỉnh.

Năm 2007, lần đầu tiên dự án triển khai nhiều hoạt động tập trung vào đối tượng trẻ khuyết tật như truyền thông chăm sóc SKSS, đào tạo kỹ năng việc làm cơ bản cho trẻ khuyết tật.  

 

Giáo dục SKSS cho vị thành niên tại góc Tuổi Hồng, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn).

 

* Thêm nhiều nhóm đối tượng được ưu tiên

Năm 2008 là năm cuối cùng của dự án tại tỉnh ta. Mục tiêu nhóm đối tượng ưu tiên vẫn là đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, nhất là các xã miền núi, hải đảo.

Chị Đinh Thị Bích Liên, Phó chủ tịch UBND xã Canh Liên, huyện Vân Canh, cho biết: “Hiện nay, Canh Liên có 313 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ, chỉ có 7 trường hợp là nam giới chấp nhận dùng bao cao su và 13 người thực hiện đình sản. Việc thay đổi quan niệm và nếp nghĩ của một bộ phận nam nông dân tham gia chia sẻ chăm sóc SKSS với người phụ nữ ở địa bàn xã vẫn còn rất khó khăn. Trạm y tế xã có 2 nhân viên y tế được đào tạo về sản khoa nhưng vẫn không có sản phụ nào đến trạm để sinh, còn đến nhà để đỡ cũng chỉ có duy nhất 1 trường hợp. Đề nghị dự án tiếp tục đào tạo thêm cho nhân viên y tế thôn và bà đỡ dân gian để có thể đứng chân tại các địa bàn xa xôi, hẻo lánh”.

Ông Ian Howie, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam:  Qua 4 năm triển khai dự án, chúng tôi hài lòng vì BQL dự án đã triển khai hiệu quả những vấn đề ưu tiên về chăm sóc SKSS cho người dân vùng khó khăn. Tôi hy vọng với những gì đã được hỗ trợ trong thời gian qua, tỉnh sẽ tạo ra sự thay đổi, đặc biệt là người nghèo. Kết quả chúng tôi mong chờ ở dự án không chỉ là người dân thu nhận thông tin mà cần có sự phản hồi lại thông tin.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp cũng là đối tượng cần được ưu tiên của dự án trong năm nay. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Ban nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Hiện nay, số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, số doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận, tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho công nhân mới chỉ ở con số vài chục. Trong khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân thiếu thốn nên nhận thức về SKSS cũng rất hạn chế”.

* Thách thức chặng cuối

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Dự án, nhấn mạnh: “Năm 2007, chúng ta mới bắt đầu triển khai một số đầu việc mới nhưng hoạt động dự án chỉ còn trong năm nay. Do đó, khối lượng công việc sẽ rất nhiều và cần sự tập trung, nỗ lực của tất cả các tiểu ban tham gia dự án”.

Ông Nguyễn Đình Loan, Giám đốc Dự án VNM7-PG0010, Bộ Y tế, cho rằng: “Bình Định là tỉnh có nhiều chuyển biến tốt trong việc giảm tỉ lệ tử vong mẹ và con. Tuy nhiên, BQL dự án cần điều chỉnh lại kế hoạch để tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên y tế về công tác làm mẹ an toàn, đồng thời xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ ấm của những mảnh đời bất hạnh  (25/01/2008)
Tổng kết hoạt động Dự án Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2007  (23/01/2008)
Tuổi trẻ chung tay chăm sóc trẻ khó khăn  (18/01/2008)
Trẻ em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống đã giảm  (11/01/2008)
Thành công nhờ giỏi truyền thông lồng ghép  (04/01/2008)
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (28/12/2007)
Cảnh giác với đuối nước ở trẻ em  (14/12/2007)
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS  (07/12/2007)
Một giải pháp nâng cao chất lượng dân số  (30/11/2007)
Phòng chống lạm dụng, xâm hại trẻ em   (23/11/2007)
Cần sự cộng đồng trách nhiệm  (09/11/2007)
Tập trung vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn   (26/10/2007)
Nhiều lực lượng xã hội vào cuộc  (12/10/2007)
Những gương mặt chuyên trách vùng cao  (05/10/2007)
Tỉ lệ ngày càng cao!  (28/09/2007)