Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, hiện nay toàn tỉnh có hơn 550 trẻ em phải lao động sớm, trong đó có 34 em phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Khi nói trẻ em lao động sớm là đề cập đến vấn đề trẻ em dưới 16 tuổi tham gia làm việc trên thị trường lao động, có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động nhưng đều nhằm mục đích tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Khái niệm “lao động trẻ em” đồng nghĩa với việc các em phải sử dụng hầu hết thời gian lẽ ra dành cho học tập, vui chơi, giải trí để làm việc cho chủ hay cho gia đình; là những trẻ em bị bóc lột sức lao động, phải làm việc nhiều giờ trong ngày, quá sức mình.
Đặc biệt, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, sức lao động trở thành hàng hóa thì trẻ em luôn là mục tiêu bóc lột của những kẻ trục lợi. Hiện tượng trẻ em bị bóc lột sức lao động và bị lạm dụng tình dục ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp. Lao động trẻ em là một hiện tượng do nghèo đói và kém phát triển gây nên. Bên cạnh việc chi phí học tập cao, học lực yếu kém, kiến thức hổng cũng là nguyên nhân khiến nhiều em bỏ học, bổ sung cho đội ngũ lao động sớm ngày một đông hơn.
Hiện tại đang có xu hướng ngày càng có nhiều trẻ em bỏ các vùng nông thôn vào thành phố kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như: phụ hồ, khuân vác trái cây ở các chợ, bán vé số, đánh giày, bán báo, bán hàng rong, đi ở, nhặt phế liệu, ăn xin.
Về lao động trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH có quy định, chỉ có các cơ sở làm các nghề truyền thống, các nghề thủ công mỹ nghệ, vận động viên, và diễn viên năng khiếu mới được phép sử dụng lao động trẻ em, nhưng không được quá 4 giờ trong ngày, không sử dụng trẻ em làm thêm giờ, làm ban đêm và phải đăng ký với Sở LĐ-TB-XH.
Tỉnh ta hiện có hơn 150 em lang thang lao động kiếm sống ở TP Hồ Chí Minh và có hàng trăm em khác lang thang lao động tại TP Quy Nhơn và các thị trấn trong tỉnh. Nhiều em bị đẩy vào con đường phạm pháp như: ăn cắp, dắt gái, bán heroin, có em bị bóc lột cả thể xác lẫn tinh thần. |
Để hạn chế tình trạng lao động trẻ em, cùng với việc triển khai thực hiện các hoạt động ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, các cơ quan chức năng cần phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người thấy được tác hại của lao động trẻ em và đấu tranh chống bóc lột lao động trẻ em; cần quan tâm cho các hộ nghèo vay vốn và hướng dẫn họ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, sớm thoát khỏi đói nghèo.
Ngoài ra, nhà trường cũng như toàn xã hội cần quan tâm tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường học tập như: miễn giảm các khoản chi phí học tập cho trẻ em nghèo, tổ chức phụ đạo giúp các em học yếu bồi đắp kiến thức để kịp với bạn bè…
Đối với trẻ em, phải xem việc học tập là quyền và bổn phận của mình, không được bỏ học, không hám lợi và không làm các công việc độc hại, nguy hiểm.
Với cha mẹ, cần quan tâm và tạo điều kiện cho con em học tập, vui chơi, giải trí để phát triển thể chất và trí tuệ; giáo dục con cái lòng yêu lao động, biết giá trị của lao động, giúp con cái hình thành nhân cách thông qua lao động hàng ngày, không bắt con cái lao động quá sức nhằm mục đích kinh tế.
|