THỰC HIỆN CÁC ĐỢT CHIẾN DỊCH CHĂM SÓC SKSS NĂM 2008:
Vẫn chưa về đích!
16:18', 31/10/ 2008 (GMT+7)

Đến đầu tháng 10, Bình Định đã triển khai xong hai đợt chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) đến vùng đông dân, có mức sinh cao, vùng khó khăn” của năm 2008, nhưng kết quả thực hiện mới chỉ đạt 89,3% kế hoạch năm.

 

Thanh niên tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền SKSS tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ảnh: Hoàng Vân

 

* Bộc lộ nhiều bất ổn

Hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu KHHGĐ là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả các đợt chiến dịch. Tính đến cuối tháng 9, tổng số các biện pháp tránh thai hiện đại được thực hiện mới đạt 89,3% kế hoạch năm. 

Lý giải tình trạng trên, nhiều ý kiến của lãnh đạo Trung tâm Dân số-KHHGĐ (DS-KHHGĐ) tuyến huyện đều cho rằng, đó là kết quả của sự xáo trộn bộ máy làm công tác DS từ cuối năm 2007 đến nay. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Ân, dẫn chứng: “Kế hoạch chiến dịch đợt 2 được triển khai trước thời gian thành lập Trung tâm có… 3 ngày. Bộ phận làm công tác DS tuyến cơ sở chưa hoàn thiện, trong khi sự phối hợp tuyên truyền vận động của các cấp, ngành đoàn thể cũng đã chững lại”.

Đáng nói hơn, nếu nhìn vào kết quả thực hiện của từng biện pháp tránh thai, sẽ thấy bộc lộ nhiều bất ổn. Kết quả thực hiện biện pháp triệt sản và vòng tránh thai rất thấp, tương ứng cụ thể 52,2% và 62,8%. Trong khi đó, các biện pháp bao cao su, viên uống tránh thai lại đạt rất cao, tương ứng 112% và 96,5%.

Đơn cử là huyện An Lão, trong 9 tháng đầu năm nay, kết quả thực hiện tổng các biện pháp là 112,8%; nhưng tập trung chủ yếu ở thuốc uống (184,3%), bao cao su (89,4%); ngược lại triệt sản chỉ có 32,5% và vòng tránh thai 48%. Hay huyện Vĩnh Thạnh, tổng các biện pháp đạt 107,3%, nhưng thuốc uống đạt tới 183,4%, bao cao su 118,8%; còn biện pháp triệt sản chỉ có 6,7% và vòng tránh thai 55,4%.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho rằng, chỉ có các biện pháp triệt sản, thuốc cấy, thuốc tiêm mới có tính bền vững cao, còn tránh thai bằng bao cao su và thuốc uống tránh thai rất khó kiểm soát tính chính xác của việc người dân có sử dụng hay không?!

* Nguy cơ tăng dân số

Qua quá trình giám sát công tác DS-KHHGĐ ở một số địa phương, Chi cục DS-KHHGĐ nhận thấy nguy cơ tăng DS vẫn còn tiếp diễn, nhất là thời điểm những tháng cuối năm nay và đầu năm tới.

Trước tình hình này, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng DS và hoàn thành các chỉ tiêu KHHGĐ đã đề ra từ đầu năm, từ ngày 20.10 đến 15.12, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao, vùng khó khăn (đợt 3) tại 81 xã có kết quả thực hiện KHHGĐ đạt thấp.  

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ 9 tháng đầu năm 2008 vừa được Sở Y tế tổ chức, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã cảnh báo tình trạng gia tăng DS với 12.921 trẻ, tương đương với một xã đông dân của Bình Định và tăng 275 trẻ so với cùng kỳ năm 2007. Theo kế hoạch do HĐND tỉnh giao, mỗi năm tỉnh sẽ giảm số trẻ sinh ra là 1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉ lệ giảm chỉ có 0,4%. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm 17,2% tổng số trẻ được sinh ra.

Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông vận động nhằm thay đổi hành vi của người dân về DS-KHHGĐ, các trung tâm DS-KHHGĐ sẽ phối hợp cùng trung tâm Y tế huyện đưa dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến với cộng đồng. Mục đích của đợt chiến dịch này là thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch về DS-KHHGĐ, góp phần giảm tỉ lệ sinh, nâng cao chất lượng sống.

Ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải tham mưu, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ; rà soát lại các chỉ tiêu KHHGĐ đã được giao để triển khai hiệu quả, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả dịch vụ, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa và một số xã còn “trắng” dịch vụ SKSS ở các huyện miền núi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân tự giác, hướng đến việc thực hiện các biện pháp tránh thai bền vững; đồng thời giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện.

  • T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Can thiệp sớm góp phần nâng cao chất lượng dân số  (31/10/2008)
Lao động trẻ em: Nguyên nhân và giải pháp  (25/10/2008)
Triển khai chiến dịch tuyên truyền, lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ đợt III  (25/10/2008)
Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (03/10/2008)
Cộng đồng trách nhiệm để ngăn chặn trẻ em lang thang  (19/09/2008)
“Một ly miễn phí cho trẻ em mỗi ngày”  (08/08/2008)
Huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cộng đồng  (01/08/2008)
Tặng 70 ngàn hộp sữa cho trẻ em nghèo  (31/07/2008)
Tặng quà cho trẻ em mồ côi  (31/07/2008)
Huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia  (25/07/2008)
Trẻ em nghèo có 10 ngày dùng sữa miễn phí  (04/07/2008)
Cộng đồng chung tay  (04/07/2008)
Cảnh báo tai nạn với trẻ em trong ngày hè  (20/06/2008)
Tổ chức mới, sinh khí mới?  (13/06/2008)
5 bông hoa vượt khó, học giỏi  (06/06/2008)