TÌNH TRẠNG SINH CON THỨ 3 Ở HUYỆN PHÙ CÁT:
Loay hoay với chế tài kiểm soát !
17:25', 14/11/ 2008 (GMT+7)

Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, huyện Phù Cát có 447/1.892 trẻ được sinh ra là con thứ 3, chiếm tỉ lệ 24% (cao gần gấp rưỡi so với tỉ lệ chung toàn tỉnh 17,2%). Không đạt chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 của Huyện ủy, UBND huyện xuống 2%/năm đã đành, tỉ lệ này còn tăng thêm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuyên truyền cho các bà mẹ về lợi ích mô hình gia đình ít con.

 

* “Khát” quý tử

Năm 2007, xã Cát Tường có 33/246 trẻ được sinh ra là con thứ 3, chiếm tỉ lệ 13,4%. Vậy mà chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ của xã “sốc” vì số trẻ sinh ra là con thứ 3 đã tăng đến chóng mặt 40/162 trẻ, chiếm tỉ lệ 24,7%. Trong đợt giám sát của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh mới đây tại Cát Tường cho thấy, từ tháng 11.2008 đến tháng 4.2009, bảng theo dõi quản lý thai của trạm y tế xã còn “chi chít” những phiếu màu đỏ dành cho bà mẹ sinh con thứ 3 trở lên.

Không chỉ riêng Cát Tường mà rất nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phù Cát đang bù đầu vì tình trạng con thứ 3 đang ngày càng gia tăng đến chóng mặt. Tin từ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, dù tỉ lệ chung của huyện là 24% nhưng phân tích cụ thể đã có 10/18 xã, thị trấn vượt ngưỡng, thậm chí vượt rất cao. Đơn cử như: xã Cát Thành 33%, Cát Tài 30%, Cát Khánh 32%, Cát Hiệp 29%...

Qua giám sát tại các xã, thị trấn, lãnh đạo huyện đã chỉ ra 3 nhóm đối tượng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Trước hết, các xã vùng ven biển như Cát Thành, Cát Khánh… sinh nhiều con với lí do cần có con trai để “nối nghề”, không áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại dẫn đến… vỡ kế hoạch. Nhóm thứ hai là những gia đình có đời sống kinh tế khá giả thích có nhiều con. Nhóm cuối cùng (dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn và tập trung chủ yếu ở những cán bộ công chức) là những người “khát” quý tử để “nối dõi tông đường”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, cho biết: “Trong vài năm gần đây nổi lên nhóm đối tượng gia đình khá giả muốn có thêm con với tư tưởng “mình đủ sức nuôi thì cứ đẻ”. Việc tuyên truyền, vận động với nhóm đối tượng này rất khó khăn”.

* Chưa có chế tài kiểm soát hữu hiệu!

Bảng quản lý thai ở Trạm y tế xã Cát Tường.

Trước thực trạng không mấy sáng sủa của công tác dân số, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, phối hợp cùng ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi đến từng người dân.

Bác sĩ Võ Tấn Đức, Trưởng Trạm y tế xã Cát Tường, cho biết: “Tỉ lệ sinh con thứ 3 cao là vấn đề nhức nhối của Ban chỉ đạo xã. Hiện, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vận động, đặc biệt đối với những người đi làm ăn xa ở các nơi khác rồi về địa phương sinh con”.

Năm 2006, huyện cũng đã triển khai đưa chính sách dân số vào hương ước của từng thôn, xem đây là một trong 7 điều để xét công nhận khu dân cư đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại
12/18 xã, thị trấn. Huyện cũng đang nỗ lực ổn định bộ máy dân số cấp xã để vận hành hiệu quả.

Các nhà chuyên môn đã nhận định một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh con thứ 3 gia tăng là do Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 còn thiếu chặt chẽ, khiến nhiều người, kể cả đảng viên, cố tình nhấn mạnh về “quyền sinh con”, mà không chú ý đến nghĩa vụ “mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con”. Ngay cả nhiều cán bộ cũng tưởng rằng từ giờ sẽ được đẻ thoải mái. Mặc dù từ năm 2005, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ phải sửa đổi Pháp lệnh Dân số, nhưng đến tận bây giờ điều này vẫn chưa thực hiện được.

Tại huyện Phù Cát, trong số 447 người sinh con thứ 3, qua giám sát sơ bộ của Trung tâm DS-KHHGĐ tại 7/18 xã, thị trấn có 12 trường hợp là cán bộ, công chức, đảng viên. Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận, hiện công tác DS-KHHGĐ chủ yếu dựa trên Pháp lệnh Dân số. Việc thực hiện chế tài xử lý những người có con thứ 3 trở lên, nhất là trong cán bộ công chức vẫn còn lỏng lẻo, mà chủ yếu vẫn là… tuyên truyền vận động.

Được biết, để ngăn ngừa đà sinh nhiều con, dự kiến Bộ Y tế sẽ trình Pháp lệnh Dân số sửa đổi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm nay, đồng thời sớm xây dựng Luật Dân số. Nhưng trước mắt để hạ nhiệt, chặn đà của “cỗ máy” tăng dân số, thiết nghĩ các cấp ủy đảng và chính quyền cần phải xử lý nghiêm tình trạng sinh con thứ 3 trong lực lượng cán bộ, đảng viên.

  • T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vẫn chưa về đích!  (31/10/2008)
Can thiệp sớm góp phần nâng cao chất lượng dân số  (31/10/2008)
Lao động trẻ em: Nguyên nhân và giải pháp  (25/10/2008)
Triển khai chiến dịch tuyên truyền, lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ đợt III  (25/10/2008)
Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (03/10/2008)
Cộng đồng trách nhiệm để ngăn chặn trẻ em lang thang  (19/09/2008)
“Một ly miễn phí cho trẻ em mỗi ngày”  (08/08/2008)
Huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cộng đồng  (01/08/2008)
Tặng 70 ngàn hộp sữa cho trẻ em nghèo  (31/07/2008)
Tặng quà cho trẻ em mồ côi  (31/07/2008)
Huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia  (25/07/2008)
Trẻ em nghèo có 10 ngày dùng sữa miễn phí  (04/07/2008)
Cộng đồng chung tay  (04/07/2008)
Cảnh báo tai nạn với trẻ em trong ngày hè  (20/06/2008)
Tổ chức mới, sinh khí mới?  (13/06/2008)