Bạo lực gia đình: Chuyện không riêng của mỗi nhà
17:16', 28/11/ 2008 (GMT+7)

Đã đến lúc bạo lực gia đình (BLGĐ) không còn là chuyện riêng của mỗi nhà, mà là vấn đề nhức nhối của cả xã hội. Nhân ngày “Thế giới phòng chống bạo lực đối với phụ nữ” (25.11), Hội LHPN tỉnh đã tổ chức cuộc hội thảo với các cơ quan đoàn thể và cả nạn nhân của BLGĐ…

 

Quang cảnh buổi hội thảo “Phòng chống bạo lực gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Thu Hà

 

* Nhức nhối nỗi đau...

Theo báo cáo của Công an tỉnh, các vụ án về BLGĐ tăng trong thời gian qua, nhất là tội “cố ý gây thương tích”. Từ năm 2007 đến nay, trong số 38 vụ giết người do nguyên nhân xã hội thì có 7 vụ liên quan đến BLGĐ, để lại hậu quả rất nặng nề. Nguyên nhân đều xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình như ghen tuông, quan hệ bất chính, không hòa hợp tính cách, chồng hay uống rượu bia say xỉn… Điển hình như vụ Huỳnh Nùng (Hoài Nhơn) thường hay uống rượu say về đánh đập vợ tên Bé. Chị Bé xin ly hôn, được tòa án xử hòa giải nhưng vợ chồng họ vẫn thường cãi nhau. Đêm 18.9.2008, sau khi uống hết 2 lít rượu, Nùng về chửi bới, la mắng vợ. Hai bên lời qua tiếng lại, Nùng đã dùng dao đâm vợ 2 nhát, sau đó tự đâm mình. Kết quả, chị Bé chết ngay tại chỗ, Nùng được đưa đi cấp cứu…

Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, Chủ tịch UBND phường Ngô Mây (Quy Nhơn) cho biết, trong năm 2008, phường đã phát hiện và tiếp nhận 11 đơn xin ly hôn hầu hết có liên quan đến BLGĐ. Thống kê của cơ quan TAND tỉnh cũng cho thấy có đến gần 80% các vụ ly hôn đều do phụ nữ chủ động đứng đơn, và nguyên nhân chính là do bị BLGĐ về thể chất, tinh thần, tiền bạc và tình dục…

Chị Trần Thị Xuân Phụng, 46 tuổi, ở thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) dự buổi hội thảo với tư cách là một nạn nhân của BLGĐ. Chị kết hôn năm 1982, sinh được 4 người con. Chị làm nông, chăm sóc con cái trong khi chồng làm nghề xây dựng. Năm 2002, chồng có quan hệ với người phụ nữ khác. Chị Phụng và các con đã nhiều lần khuyên giải, can ngăn nhưng không có hiệu quả. Người chồng xin ly hôn; chị Phụng đứng trước nguy cơ mất ngôi nhà mà vợ chồng chị đã tạo lập nhưng nhờ người em chồng đứng tên.

“Từ ngày nhà xảy ra chuyện, tội nhất là những đứa con phải chịu khổ lây. Hai đứa học đại học không còn tâm trí nào. Thằng nhỏ học lớp 11 đang là học sinh giỏi thì bị trầm cảm, phải nghỉ học điều trị bệnh tâm thần. Giờ nó  không còn biết vui, buồn, chỉ ngồi lì một chỗ; phải chờ nhắc việc vệ sinh cá nhân…”- chị Phụng ngân ngấn nước mắt.

* Để BLGĐ không còn là nỗi ám ảnh...

Nạn BLGĐ xuất phát từ những nguyên nhân như: tư tưởng trọng nam khinh nữ; khi người chồng sa đà vào các tệ nạn xã hội; hoặc kinh tế gia đình khó khăn, việc làm không ổn định… Nhiều phụ nữ, nạn nhân chủ yếu của BLGĐ, còn hạn chế về nhận thức, chấp nhận cam chịu mà không biết tự bảo vệ mình, một phần vì bị phụ thuộc kinh tế, vì tâm lý sợ “xấu chàng hổ ai” hoặc không biết nhờ đến chính quyền, đoàn thể can thiệp.

Trong khi đó, ở một số địa phương, các cấp chính quyền, hội đoàn thể còn tỏ ra thờ ơ, không can thiệp ngay từ đầu nạn BLGĐ, hoặc giải quyết không dứt điểm. Thượng tá Nguyễn Việt Cường thuộc phòng Xây dựng phong trào (Công an tỉnh) cho rằng: “Các tổ chức chính quyền, xã hội, hòa giải ở cấp cơ sở phải nắm chắc tình hình mâu thuẫn ở những gia đình để có những biện pháp hòa giải tích cực. Đối với các vụ việc nghiêm trọng, nếu hòa giải không thành, cần phải báo lên cấp trên để có hướng giải quyết, tránh tình trạng bỏ mặc…”.

Tại hội thảo, các đại biểu đều chung nhận định, để công tác phòng chống BLGĐ có hiệu quả cần huy động sức mạnh của cả cộng đồng. Chính quyền cần tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu về Luật phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau để mọi đối tượng đều có thể tiếp nhận được thông tin giúp họ tự giác nhận thức được vấn đề, không chỉ ở ngay trong nhà của mình mà còn ở ngoài xã hội. Đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng để làm gương. Ngoài ra, theo ý kiến của các cấp Hội phụ nữ, các ngành chức năng, đoàn thể cần tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, và nâng cao “vị thế” của người vợ trong gia đình. Đây cũng là một biện pháp hạn chế tình trạng BLGĐ.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực  (21/11/2008)
Góp phần nâng cao chất lượng sống của bà mẹ và trẻ em  (20/11/2008)
Loay hoay với chế tài kiểm soát !  (14/11/2008)
Vẫn chưa về đích!  (31/10/2008)
Can thiệp sớm góp phần nâng cao chất lượng dân số  (31/10/2008)
Lao động trẻ em: Nguyên nhân và giải pháp  (25/10/2008)
Triển khai chiến dịch tuyên truyền, lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ đợt III  (25/10/2008)
Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (03/10/2008)
Cộng đồng trách nhiệm để ngăn chặn trẻ em lang thang  (19/09/2008)
“Một ly miễn phí cho trẻ em mỗi ngày”  (08/08/2008)
Huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cộng đồng  (01/08/2008)
Tặng 70 ngàn hộp sữa cho trẻ em nghèo  (31/07/2008)
Tặng quà cho trẻ em mồ côi  (31/07/2008)
Huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia  (25/07/2008)
Trẻ em nghèo có 10 ngày dùng sữa miễn phí  (04/07/2008)