Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh vừa triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đến vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn và vùng đông dân có mức sinh cao theo tinh thần Quyết định phê duyệt kế hoạch ngày 19.2.2008 của UBND tỉnh. Ông Nguyễn Văn Huy - Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã trả lời phỏng vấn xung quanh các hoạt động chính của chiến dịch.
|
Chăm sóc sức khỏe cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Bok Tới (Hoài Ân). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Thủ tướng Chính phủ vừa có Nghị định 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó quy định: giải thể Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh. Việc giải thể cơ quan như vậy có ảnh hưởng đến việc triển khai chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ không, thưa ông?
- Nghị định 13 quy định việc giải thể cơ quan Ủy ban DS-GĐ&TE sau khi đã chuyển chức năng quản lý và tổ chức của Ủy ban này cho các Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở LĐ-TB&XH. Như vậy, việc giải thể cơ quan Ủy ban DS-GĐ&TE chỉ có ý nghĩa về mặt tổ chức, tinh gọn đội ngũ cán bộ, còn sự nghiệp DS-GĐ&TE vẫn tồn tại và phát triển. Các hoạt động phục vụ công tác DS-GĐ&TE hiện chúng tôi vẫn triển khai bình thường, đảm bảo các bước của chương trình công tác năm 2008, và nhất là phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Chiến dịch sẽ được tổ chức ở 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh (đợt 1 sẽ được tổ chức từ ngày 1.3 đến 15.4, đợt 2 tổ chức từ 15.8 đến 30.9). Phấn đấu đạt trên 50% chỉ tiêu kế hoạch năm về các biện pháp tránh thai (BPTT) lâm sàng của các địa bàn thực hiện chiến dịch. Sẽ huy động 66 lượt đội lưu động cấp tỉnh, huyện và 88 cán bộ y tế tham gia. Kinh phí dành cho 2 đợt chiến dịch là 1.147 triệu đồng!
* Ngành DS-GĐ&TE sẽ có những giải pháp gì để chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đạt được mục tiêu?
- Nội dung chủ yếu của chiến dịch là: Đẩy mạnh sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đảm bảo chất lượng cao cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn và vùng đông dân có mức sinh cao; cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm giảm mức sinh bền vững cho các đối tượng ở các vùng nói trên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác DS-GĐ&TE năm 2008. Để thực hiện đầy đủ nội dung này, trước hết, công tác tuyên truyền vận động phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trên cả hai lĩnh vực: truyền thông đại chúng và tuyên truyền trực tiếp cho người dân, nhất là tuyên truyền chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng trong thực hành chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tập trung tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các đối tượng sinh con một bề, đối tượng có khó khăn khi tiếp cận thông tin và dịch vụ, đặc biệt quan tâm cung cấp các kiến thức về SKSS cho vị thành niên và thanh niên. Chú ý các hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt tổ, nhóm của các hội, đoàn thể, cấp phát tài liệu cho các đối tượng và tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.
Chỉ tiêu của 2 đợt chiến dịch năm 2008
Đạt 50% chỉ tiêu từng biện pháp tránh thai; có 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, được tư vấn để nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ, và làm mẹ an toàn; điều trị bệânh phụ khoa thông thường cho 90% chị em đăng ký dùng các BPTT; 86.000 người sử dụng các BPTT và 70.000 phụ nữ được khám phụ khoa. |
* Ngoài công tác tuyên truyền vận động, đội dịch vụ lưu động và các Ban DS-GĐ&TE xã, phường, thị trấn cần phải làm gì để tăng thêm hiệu quả của chiến dịch?
- Đội dịch vụ lưu động tập trung thực hiện cung cấp gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; chuẩn bị điều kiện cung cấp các BPTT lâm sàng, thuốc thiết yếu, trang bị dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai, phục vụ kịp thời nhu cầu của chiến dịch. Riêng đối với các ban DS-GĐ&TE 159 xã, phường, thị trấn cần chủ động phối hợp chặt chẽ với trạm y tế và các tổ chức hộâi, đoàn thể triển khai mạnh mẽ các hoạt động tư vấn tại nhà, giúp cho khách hàng có đầy đủ thông tin cần thiết, phù hợp với các BPTT, chăm sóc thai nghén, phòng chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Ngoài ra, các ban này còn có nhiệm vụ phối hợp với đội lưu động cung cấp dịch vụ kỹ thuật SKSS/KHHGĐ như: triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc, thuốc uống, thuốc cấy, bao cao su và các BPTT khác an toàn cho khách hàng; tổ chức khám phụ khoa, xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh thường gặp và tổ chức điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản thông thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện các BPTT.
|