TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẺ EM XÃ CÁT HƯNG:
Niềm tin của gia đình trẻ khuyết tật
8:57', 7/3/ 2008 (GMT+7)

Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em (PHCNTE) xã Cát Hưng (Phù Cát) là một trong 2 trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ của tỉnh được thành lập vào tháng 6.2005 do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh cùng Bảo hiểm Prudential đầu tư hỗ trợ. Trung tâm có nhiệm vụ luyện tập, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật của 3 xã phía nam huyện Phù Cát là Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng.

 

Hội CTĐ tỉnh Bình Định tặng quà trung thu cho trẻ em khuyết tật nghèo. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tạo được niềm tin cho gia đình các cháu khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm đang giúp đỡ 60 trẻ em, phần đông bị bệnh bại não, teo cơ, dị tật. Qua gần 3 năm hoạt động, Trung tâm đã can thiệp giúp cho 30% số cháu bị dị tật bẩm sinh có chuyển biến tốt về sức khỏe, trí tuệ và cơ quan vận động, 10% số cháu hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Cháu Hồ Phước, 14 tuổi, ở thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng bị bại não thể co cứng từ không đi lại được nay đã có thể đi lại được mà không cần sự giúp đỡ. Hoặc cháu Huỳnh Văn Phúc, 10 tuổi ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, sau khi mổ gót chân được về tập tại Trung tâm nay đã đi lại bình thường…

Nói về hiệu quả hoạt động của Trung tâm PHCNTE Cát Hưng, ông Nguyễn Tỵ, 50 tuổi ở xã Cát Nhơn có cháu ngoại là Trần Thanh Tùng 8 tuổi bị sứt môi, hở hàm ếch đang tập phát âm ở trung tâm cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ trung tâm, qua 3 năm luyện tập, đến nay cháu tôi đã phát âm khá chuẩn và đã học đến lớp 2, giờ cháu không còn mặc cảm với bạn bè…”.

Hàng tuần thường xuyên có 30 cháu đến tập. Các cháu bị dị tật nặng được đội ngũ cộng tác viên thỏa thuận cùng gia đình đến nhà tập luyện 2 lần/tuần. Công tác luyện tập được duy trì đều và thường xuyên 3 ngày/tuần, 12 ngày/tháng. Cán bộ trung tâm trực tiếp tham gia luyện tập và hướng dẫn cho gia đình kỹ năng và thao tác luyện tập, đồng thời phát hiện sớm những di chứng đặc biệt để đưa đi phẫu thuật chỉnh hình kịp thời.

Vào các dịp lễ, tết, Trung tâm còn được tỉnh, huyện và xã tổ chức vui tết và tặng quà cho các cháu. Hàng năm, trung tâm còn tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình luyện tập cũng như những tiến bộ của từng cháu để gia đình biết, qua đó trung tâm kết hợp với việc phổ biến kiến thức cũng như tuyên truyền việc chăm sóc, nuôi dưỡng, kỹ năng luyện tập đồng thời lấy ý kiến đóng góp về phía phụ huynh để rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và biểu dương thành tích phấn đấu luyện tập của các cháu. Đến nay hầu hết các gia đình có con em bị dị tật sinh hoạt tại trung tâm đã cơ bản nắm bắt được phương pháp luyện tập và cách chăm sóc trẻ em khuyết tật…

Có được những thành công trên phải kể đến sự chỉ đạo, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Út, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng cho biết : “UBND xã luôn tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho cán bộ và các cháu nhằm đưa trung tâm hoạt động ngày càng có hiệu quả góp phần giúp các cháu phục hồi chức năng xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn đó là dụng cụ, trang thiết bị tập còn ít và xuống cấp; trang thiết bị vui chơi, giải trí cho các cháu còn thiếu thốn; chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên còn thấp; kiến thức về chuyên môn kỹ thuật của cán bộ trung tâm còn hạn chế. Về mặt khách quan, vẫn còn một số phụ huynh chưa thật sự ý thức đến vấn đề luyện tập cho con em…

Mong sao các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các trung tâm PHCNTE nhằm giúp tạo bước đột phá trong công tác phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng.

  • Đào Thuận
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng  (29/02/2008)
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn  (22/02/2008)
Chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số  (15/02/2008)
Tết vui với trẻ khó khăn  (15/02/2008)
Thêm nhiều đối tượng được ưu tiên  (31/01/2008)
Tổ ấm của những mảnh đời bất hạnh  (25/01/2008)
Tổng kết hoạt động Dự án Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2007  (23/01/2008)
Tuổi trẻ chung tay chăm sóc trẻ khó khăn  (18/01/2008)
Trẻ em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống đã giảm  (11/01/2008)
Thành công nhờ giỏi truyền thông lồng ghép  (04/01/2008)
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (28/12/2007)
Cảnh giác với đuối nước ở trẻ em  (14/12/2007)
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS  (07/12/2007)
Một giải pháp nâng cao chất lượng dân số  (30/11/2007)
Phòng chống lạm dụng, xâm hại trẻ em   (23/11/2007)