Những mầm sống bị chối bỏ
16:50', 14/3/ 2008 (GMT+7)

Có đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài đám mía, lại có đứa bị bỏ nằm thoi thóp trước cửa chùa hay hành lang bệnh viện… Mới lọt lòng, chúng đã bị chính những người tạo ra mình chối bỏ. Tại sao?

 

Trẻ có quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng... Ảnh: H.Y

 

* Xót xa thân phận mồ côi

Hầu như năm nào, các bệnh viện trong tỉnh cũng tiếp nhận vài trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Năm 2006, tại phòng Nhi sơ sinh, khoa Nhi, BVĐK tỉnh, có hai bé gái bị bỏ rơi, một bé gái lành lặn, bình thường và một bé bị dị tật hở hàm ếch. Bác sĩ Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa Nhi, kể lại: “Người nhà đưa bé vào viện để chữa bệnh, nhưng rồi họ bỏ đi không để lại một lời nhắn nào”.

Cách đây không lâu, các bác sĩ khoa Phụ sản, BVĐK TP Quy Nhơn, tiếp nhận một trường hợp sản phụ chừng 25-26 tuổi, ăn mặc khá lịch sự đến sinh con. Chỉ khoảng 15-20 phút sau nhập viện, một bé gái lành lặn đã được chào đời. Thế nhưng, chỉ vài phút sau khi sinh, người mẹ trẻ bỏ đi không một lời nhắn gửi, ngay cả dòng địa chỉ ghi trong hồ sơ cũng là địa chỉ giả. Sau một tuần được các y, bác sĩ ở bệnh viện nuôi, cô bé được một người phụ nữ đến xin làm con.

Bác sĩ Lâm, khoa Phụ sản, BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: “Các cháu bị bỏ rơi phần lớn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo hoặc bị dị tật bẩm sinh; một số khác là hậu quả của sự “lỡ làng”. Có những trường hợp trẻ mới chào đời đã bị bỏ rơi, bệnh viện buộc phải nuôi bé trong lồng kính. Cháu nào may mắn thì được gia đình hiếm muộn nhận về nuôi nếu không sẽ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội”. 

Một nữ sinh học lớp 12 có thai ngoài ý muốn đã hoảng sợ đến khoa Sản, BVĐK TP Quy Nhơn để phá thai nhưng vì cái thai quá lớn, các bác sĩ khuyên cô không nên phá và sau khi sinh con cô đã “nhờ” bệnh viện nuôi giúp! Hay như trường hợp người mẹ ở tận Quảng Ngãi vào sinh con và khi đứa bé được xác định mắc bệnh đao, bà đã lẳng lặng bỏ con lại cho bệnh viện...

* Khao khát tình thương

Trong số 64 cháu hiện được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng, chỉ có một số ít do gia đình “gửi”, còn lại phần lớn là trẻ bị bỏ rơi. Ngay đến cả cái tên của các bé cũng do các cô chú ở Trung tâm đặt cho dựa theo nguồn gốc địa danh bị bỏ rơi hoặc gắn với một kỷ niệm nào đó. Cháu Đặng Thị Cát Tân, bị bỏ rơi ngoài đám mía ở xã Cát Tân khi vừa mới chào đời. Một người phụ nữ tốt bụng đã nhặt được em khi kiến đã cắn nát cả đôi mắt. Trường hợp cháu Bùi Thị Khoa Nhi - cái tên chính là nơi bé bị mẹ bỏ rơi (khoa Nhi, BVĐK tỉnh) sau khi sinh được 2 ngày. Hay như trường hợp cháu Vô Danh Một đã ở Trung tâm đã được 6 năm…

Nhiều gia đình hiếm muộn phải “chạy vạy” tiền bạc đi khắp nơi chữa bệnh, cầu khấn mà vẫn không có lấy một tia hy vọng được có con, họ chấp nhận số phận và lặn lội khắp các bệnh viện, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi để tìm con nuôi. Ở thôn Xuân An, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, có đôi vợ chồng tuổi đã lục tuần vẫn ngày đêm lăn lộn cùng xưởng nước uống đóng chai để gầy dựng tương lai cho cậu con trai nuôi vừa tròn 1 tuổi. Cuộc sống vẫn còn điều tốt đẹp bởi các em bé mồ côi vẫn còn có chỗ để nương tựa và nuôi dưỡng tâm hồn. Nhưng đó chỉ là số ít, vẫn còn rất nhiều mầm sống tiếp tục bị chối bỏ.

Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Với trẻ mồ côi bị khuyết tật vào Trung tâm để được chăm sóc là điều bình thường nhưng trong số này lại có trường hợp trẻ bị chính cha mẹ đưa vào Trung tâm với lý do không có điều kiện để nuôi (?!). Ở đây, có thể các em được chăm lo về vật chất, nhưng chúng tôi không thể bù đắp nổi sự thiếu hụt về tình thương”.

Qua phân tích của các nhà tâm lý và thực tế chứng minh, dù được chăm sóc, được ăn mặc đầy đủ, song các bé bị bỏ rơi sẽ khó phát triển bình thường nếu sống xa vòng tay yêu thương của cha mẹ. Bởi lẽ trẻ không chỉ lớn lên bằng sữa mà còn lớn lên bằng cả tình thân.

Các em còn quá nhỏ không thể hiểu được khái niệm cha mẹ là gì nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, trong đôi mắt vẫn ẩn giấu nỗi buồn xa thẳm. Nỗi mất mát ấy càng nhân đôi với những trẻ bỏ rơi bị tật nguyền. Không biết nói, không đứng lên được bằng đôi chân, nhưng các em vẫn luôn khao khát tình thương qua những biểu lộ cảm xúc bằng ánh mắt, hay cái quơ tay về phía trước…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Niềm tin của gia đình trẻ khuyết tật  (07/03/2008)
Chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng  (29/02/2008)
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn  (22/02/2008)
Chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số  (15/02/2008)
Tết vui với trẻ khó khăn  (15/02/2008)
Thêm nhiều đối tượng được ưu tiên  (31/01/2008)
Tổ ấm của những mảnh đời bất hạnh  (25/01/2008)
Tổng kết hoạt động Dự án Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2007  (23/01/2008)
Tuổi trẻ chung tay chăm sóc trẻ khó khăn  (18/01/2008)
Trẻ em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống đã giảm  (11/01/2008)
Thành công nhờ giỏi truyền thông lồng ghép  (04/01/2008)
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (28/12/2007)
Cảnh giác với đuối nước ở trẻ em  (14/12/2007)
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS  (07/12/2007)
Một giải pháp nâng cao chất lượng dân số  (30/11/2007)