Công an TP Quy Nhơn vừa triệt phá một đường dây môi giới mại dâm trẻ em mà người dẫn dắt là một cô gái còn rất trẻ, mới 17 tuổi. Mấy ngày qua, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã nhận được hàng chục đơn thư, phần lớn là của phụ nữ trong tỉnh bày tỏ sự căm phẫn trước sự viêïc đau lòng này và kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật hãy trừng trị nghiêm khắc những kẻ gây ra.
|
Gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần giáo dục giới tính cho các em, để các em cảnh giác và có biện pháp bảo vệ. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Hoàng Tuấn
|
Trong những năm gần đây, Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều so với các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2007, có hơn 15 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục (riêng đường dây môi giới mại dâm trẻ em vừa được Công an TP Quy Nhơn triệt phá có 9 trẻ em tuổi từ 14 đến 16 bị xâm hại). Đó là chưa kể một đường dây mại dâm trẻ em do một nhóm đối tượng khác cầm đầu đang được Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ.
Trẻ em bị xâm hại tình dục có nhiều lứa tuổi khác nhau. Cóù trường hợp nạn nhân ở tuổi 13-14 tuổi nhưng cũng có nhiều trường hợp các em bị xâm hại chỉ mới 6-8 tuổi. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, thông thường đó là những đối tượng có quan hệ quen biết với các nạn nhân, người thân của cha mẹ, hàng xóm và bạn bè. Các đối tượng này hoàn toàn bình thường về mặt thần kinh. Cái không bình thường của họ chính là nhân cách, phẩm chất đạo đức. Có những kẻ hoàn toàn ý thức được hành vi phạm tội nghiêm trọng của mình nhưng chúng hy vọng sẽ không bị phát hiện, không bị tố giác, không bị buộc tội. Niềm tin của chúng có cơ sở, vì trước hết nạn nhân còn quá nhỏ, không đủ trí khôn, bản lĩnh để tố giác chúng. Mặt khác, ngoài dụ dỗ cho quà bánh, chúng thường hăm dọa nếu nói cho ai biết, chúng sẽ đánh, rạch mặt, giết chết... nên nạn nhân phải im lặng, chịu đựng. Hơn thế nữa, có nhiều trường hợp người nhà nạn nhân phát hiện song lại tìm cách giấu kín chuyện vì xấu hổ, vì sợ ảnh hưởng tới uy tín gia đình và tương lai của đứa trẻ sau này. Nên trong thực tế số vụ xâm hại tình dục bị xử lý thấp hơn nhiều so với những vụ đã xảy ra.
Hậu quả của tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục là rất lớn và dai dẳng. Đa số các em phải bỏ học. Vết thương trên cơ thể có thể nhanh chóng được chữa lành, nhưng vết thương tinh thần thì hằn sâu trong tâm trí các em, khó có thể chữa khỏi. Nhiều em gái cảm thấy xấu hổ muốn tìm đến cái chết, hoặc sống buông thả, trở thành gái mại dâm sau khi bị xâm hại. Vì vậy, việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để phòng chống tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em, cần có sự phối hợp đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời cần thực hiện với nhiều giải pháp.
Điều trước tiên là ôâng bà, cha mẹ người thân trong gia đình phải có ý thức cảnh giác để bảo vệ cháu con mình; không quá tin những người hàng xóm; không để con cháu ăn mặc gợi cảm khi ra đường và phải có hành động quyết liệt khi cháu con mình bị xâm hại. Gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục giới tính cho các em để các em biết, cảnh giác và có biện pháp bảo vệ. Đây là điều quan trọng vì tự bảo vệ khi nào cũng là hình thức có hiệu quả nhất trong việc chống lại nạn lạm dụng tình dục trẻ em.
Gia đình, cộng đồng cần lên án mạnh mẽ hành vi xâm hại trẻ em, không được bao che. Kinh nghiệm cho thấy, nếu được bao che hay nương nhẹ hình phạt, đối tượng sẽ tiếp tục tái phạm, có khi còn nghiêm trọng hơn. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương điều tra, đưa ra ánh sáng và nghiêm khắc xử lý những kẻ thoái hóa, biến chất, ăn chơi trụy lạc, những tên mặt người dạ thú. Các hình phạt phải đủ mạnh để có ý nghĩa giáo dục, cảnh báo và răn đe hiệu quả.
|