Mục tiêu của Đề án Vận động trẻ em lang thang (TELT) hồi gia là: tiếp tục ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng TELT; giảm tối đa mức phát sinh TELT và tái lang thang; thực hiện can thiệp và trợ giúp cho TELT hồi gia, đảm bảo 70% số trẻ được ổn định cuộc sống.
|
Các trẻ mồ côi được học nghề đan mây ở Trung tâm dạy nghề Đồng Tâm. Ảnh: N.D
|
Đề án này sẽ được triển khai trên phạm vi 11 huyện, thành phố nhưng tập trung ưu tiên cho các xã trọng điểm- nơi có nhiều TELT và có nguy cơ lang thang. Đối tượng tác động là các em đang lang thang; trẻ em có nguy cơ lang thang và gia đình các em. Để thực hiện đạt được các mục tiêu nói trên, Ủy ban DS-GĐ&TE các cấp cùng với ngành LĐ-TB&XH có kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể liên quan trong công tác thống kê, phân loại, lập hồ sơ các em, nhất là số TELT trong các năm qua và số trẻ em có nguy cơ lang thang.
Đề án đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp cho từng đối tượng. Các cộng tác viên cộng đồng thường xuyên tổ chức tư vấn cho các em (thời gian tư vấn cho mỗi đối tượng có thể diễn ra vài ngày, vài tuần hoặc một vài tháng), vấn đề quan trọng là làm sao giúp cho các em thấy được tác hại của cuộc sống lang thang, qua đó tự nguyện trở về với gia đình và cộng đồng. Quy trình tư vấn phải kết hợp giữa tư vấn cho các em và tư vấn cho gia đình các em; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các em có nơi cư trú tạm thời trước khi hồi gia; cung cấp thông tin, kiến thức giúp trẻ em biết cách tự chăm sóc bản thân. Phối hợp với các địa phương nơi có TELT, tổ chức đưa TELT về với gia đình, hoặc gia đình thay thế. Đối với các em không có gia đình thì tổ chức đưa các em vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Vai trò của các cộng tác viên và Ban DS-GĐ&TE xã, phường, thị trấn là sau khi xác minh hoàn cảnh của trẻ, hoàn chỉnh hồ sơ, tập hợp, phân loại các nhóm TELT và đưa ra các vấn đề cần can thiệp cho từng đối tượng. Khi các em đã hồi gia thì cần xác định nhu cầu cuộc sống của các em để có biện pháp giúp đỡ các em ổn định cuộc sống. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm TELT hồi gia gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; hỗ trợ kinh phí giải quyết khó khăn trước mắt; hỗ trợï học văn hóa, tạo điều kiện cho các em hòa nhập với học sinh phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.
Đối với trẻ em 13, 14 tuổi, các địa phương nên hỗ trợ kết hợp giữa học văn hóa, học nghề và tạo việc làm cho các em cũng như gia đình các em; kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để có kế hoạch hỗ trợ các gia đình phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài các giải pháp trên, các tổ chức tham gia đề án cũng cần phối hợp điều tra, phát hiện các trường hợp lôi kéo, dụ dỗ, lợi dụng trẻ em, đưa trẻ đi lang thang, lao động kiếm sống ở các thành phố và phối hợp với ngành chức năng liên quan có biện pháp ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm quyền trẻ em.
|