ÔNG NGUYỄN VĂN HUY, NGUYÊN CHỦ NHIỆM ỦY BAN DS-GĐ&TE TỈNH:
Tôi hy vọng có một sự tiếp nối tốt đẹp
17:0', 4/4/ 2008 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Huy

Thực hiện Nghị định 13 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giải thể Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh, từ ngày 1.4, toàn bộ CB-CNV của Ủy ban này đã về nhận công tác ở cơ quan mới. 16 năm tồn tại, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực giúp tỉnh ta đạt được mức sinh thay thế. Đồng hành với Ủy ban DS-GĐ&TE, ông Nguyễn Văn Huy giờ cũng chia tay ngành DS-GĐ&TE bằng việc xin nghỉ hưu trước tuổi. Với tâm huyết của một người có thâm niên 16 năm làm chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE, ông dành cho Báo Bình Định cuộc phỏng vấn.

* Ông có thể đánh giá một cách ngắn gọn nhất những đóng góp của Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh trong suốt 16 năm tồn tại?

- Thực ra Ủy ban DS-GĐ&TE không phải chỉ tồn tại 16 năm. Từ năm 1984, chúng ta đã có Ủy ban QGDS và Ủy ban Dân số các tỉnh thuộc Sở Y tế và do giám đốc Sở Y tế làm Phó chủ nhiệm thường trực. Sâu xa hơn chính sách dân số đã có từ ngày 26.12.1961!

Còn Ủy ban Dân số tách hoạt động độc lập và có bộ máy riêng thì mới bắt đầu từ năm 1992, bắt nguồn từ công tác dân số thực hiện một thời gian dài không hiệu quả; rồi sau đó mới nhập Ủy ban BVCSTE tỉnh vào thành Ủy ban DS-GĐ&TE. Tôi nhớ ngày Ủy ban Dân số bắt đầu hoạt động, tỉ lệ phát triển dân số ở tỉnh ta là 2,8% cao hơn tỉ lệ phát triển dân số của cả nước (2,7%) và số con trung bình của một cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ là 4,8 con. Sau 16 năm, cùng với những nỗ lực chung của các ngành các cấp thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã góp phần hạ tỉ lệ phát triển dân số của tỉnh xuống còn xấp xỉ 1% (tính đến ngày 31.3.2007), số con bình quân của một cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ cũng được hạ xuống là 2 con, đạt mức sinh thay thế! Điều đáng quý là nhận thức trong đại bộ phận nhân dân về quy mô gia đình ít con có những chuyển biến tích cực; bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ trung ương đến cơ sở được hình thành và phát triển đều khắp lôi kéo được nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Ngoài ra, sự hiện diện của Ủy ban DS-GĐ&TE cũng đã giúp huy động được nhiều nguồn lực đầu tư quy mô lớn cho công tác dân số làm tiền đề cho chương trình được tiếp tục lâu dài...

* Được biết từ ngày 31.3.2008, mọi hoạt động của Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã kết thúc, xin ông cho biết tình hình nhập CB-CNV cuả Ủy ban về các Sở như thế nào?

- Biên chế của Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh là 29 người, trừ một số đã chuyển công tác trước hoặc vừa nghỉ hưu, còn lại có 2 cán bộ được chuyển về Sở VH-TT-DL tham gia vào chương trình xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ CNH-HĐH, 6 cán bộ chuyển về Sở LĐ-TB&XH làm công tác BVCS trẻ em, còn lại được chuyển về Sở Y tế làm công tác DS-KHHGĐ.

* Việc nhập các chức năng của Ủy ban DS-GĐ&TE về các Sở khi vừa hết quý I có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện kế hoạch công tác DS-GĐ&TE năm 2008 không, thưa ông?

- Vì đã biết trước việc giải thể cơ quan nên khi làm kế hoạch năm 2008, chúng tôi đã tách riêng 3 mảng ngay từ đầu năm. Chương trình DS-KHHGĐ năm 2008 được UBND tỉnh phê duyệt, quý 1 đã vận hành khá tốt, chúng tôi đã giao cho Sở Y tế để tiếp tục thực hiện. Chương trình BVCSTE chủ yếu là thực hiện 4 đề án trong đó 2 đề án đã thuộc về Sở LĐ-TB&XH giờ chúng tôi chỉ chuyển giao 2 đề án nữa đồng thời chuyển giao luôn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Về công tác gia đình, nội dung quản lý nhà nước về gia đình chuyển giao Sở VH-TT-DL.

* Thưa ông, chắc chắn công tác DS-KHHGĐ ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng còn rất nhiều vấn đề phải làm để tiến tới mục tiêu ổn định dân số, việc không duy trì bộ máy Ủy ban DS-GĐ&TE có khiến ông băn khoăn về tiến trình đi đến mục tiêu đó không?

 

Phụ nữ khu vực 3, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) tổ chức giao lưu với chủ đề Dân số và gia đình. Ảnh: Tuệ Đan

 

- Như chúng ta đều biết đặc thù của công tác DS-KHHGĐ là phải làm kiên trì và liên tục cho đến khi ổn định quy mô dân số. Hiện ở tỉnh ta đã đạt đến mức sinh 2 con (mức sinh thay thế), theo tính toán của các chuyên gia, nếu chúng ta tiến hành tốt công tác dân số bảo đảm mỗi năm mức sinh giảm xuống một phần nghìn thì đến năm 2035 Việt Nam sẽ ổn định quy mô dân số ở mức 120 triệu dân, Bình Định cũng sẽ ổn định quy mô dân số ở mức 2,5 triệu dân. Nếu không tiến hành tốt công tác DS-KHHGĐ thì đến thời gian đó số dân Việt Nam sẽ lên từ 145- 150 triệu người!

Công tác DS-KHHGĐ giờ được nhập vào ngành y tế, tôi có mấy băn khoăn: Một là, y tế là ngành lớn, kinh phí được đầu tư lớn nhưng lại có những việc phải chi gấp như: phòng chống dịch, khám chữa bệnh... trong khi việc đầu tư cho dân số khó có hiệu quả tức khắc nên không dễ được lãnh đạo chọn ưu tiên. Hai là, quan hệ trong ngành y tế là quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, bệnh nhân cần thì tìm đến thầy thuốc trong khi quan hệ trong ngành dân số là quan hệ cán bộ dân số - khách hàng, người làm dân số phải chủ động đi tìm khách hàng; nếu lấy mô hình của ngành y tế áp đặt lên mô hình của ngành dân số thì hiệu quả của công tác dân số sẽ rất thấp! Ba là, công tác quản lý dữ liệu dân cư lâu nay được ngành dân số làm rất tốt và chính nó đã giúp rất nhiều trong công tác quản lý xã hội, không biết chuyển giao việc này cho ngành y tế liệu có tiếp tục phát huy được không.

Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng những bài học kinh nghiệm quản lý công tác dân số từ giai đoạn 1961 đến 1991 sẽ giúp ngành y tế nhìn ra nhiều vấn đề và tiếp tục làm tốt công tác dân số trong thời gian tới! Bởi nếu lơ là sẽ là trở ngại cho phát triển kinh tế- xã hội khi dân số tăng đột biến!

* Xin cảm ơn những ý kiến tâm huyết của ông!

  • Quang Khanh (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vận động trẻ em lang thang hồi gia  (28/03/2008)
Cần những giải pháp quyết liệt hơn  (21/03/2008)
Những mầm sống bị chối bỏ  (14/03/2008)
Niềm tin của gia đình trẻ khuyết tật  (07/03/2008)
Chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng  (29/02/2008)
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn  (22/02/2008)
Chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số  (15/02/2008)
Tết vui với trẻ khó khăn  (15/02/2008)
Thêm nhiều đối tượng được ưu tiên  (31/01/2008)
Tổ ấm của những mảnh đời bất hạnh  (25/01/2008)
Tổng kết hoạt động Dự án Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2007  (23/01/2008)
Tuổi trẻ chung tay chăm sóc trẻ khó khăn  (18/01/2008)
Trẻ em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống đã giảm  (11/01/2008)
Thành công nhờ giỏi truyền thông lồng ghép  (04/01/2008)
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (28/12/2007)