TRUYỀN THÔNG THAY ĐỔI HÀNH VI TRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ:
Còn nhiều thách thức !
10:7', 16/5/ 2008 (GMT+7)

Đến nay Bình Định đã đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi gia đình có 2 con; chất lượng dân số từng bước được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

* Có hiệu quả...

Để có được những kết quả trên, công tác truyền thông thay đổi hành vi (TTTĐHV) đã được triển khai rộng khắp, thường xuyên với các kênh từ truyền thông đại chúng đến thông tin tư liệu, tranh cổ động, nhắm đến nhiều nhóm đối tượng, đã thật sự tạo nên chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.

Năm 2004, trong khuôn khổ dự án VIE/03/P20 do Chính phủ New Zealand tài trợ thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc, ngành dân số đã tăng cường các hoạt động TTTĐHV về dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chỉ tính riêng năm 2007, ngành tập trung các hoạt động TTTĐHV ở các xã vùng sâu, vùng xa với tần suất ngày càng cao nhằm tác động, tạo chuyển biến cho chương trình dân số, sức khỏe sinh sản của các địa phương. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông tập trung mạnh vào nhóm nam nông dân, vị thành niên ở các xã miền núi thuộc huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và xã bán đảo Nhơn Hải, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) - những xã có mức sinh cao - được người dân ủng hộ. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi xa xôi đã băng rừng, lội suối từ 4, 5 giờ sáng để đến tham dự. Trong mùa mưa, các buổi tọa đàm, thảo luận vẫn luôn sôi nổi. Điều này chứng tỏ nhu cầu được cung cấp thông tin và tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân rất lớn.

* Nhưng còn nhiều tồn tại

Các hoạt động TTTĐHV còn quá ít so với nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Việc truyền thông chủ yếu dựa vào cán bộ chuyên trách dân số xã và huyện nên một số câu hỏi chuyên môn sâu về y tế của người dân vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Năm 2007, ngành dân số đã tổ chức 252 buổi thảo luận nhóm nhỏ, tọa đàm, mít tinh về các chủ đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhóm đối tượng nam giới, vị thành niên. 90% số đối tượng tham gia các hoạt động và được ghi nhận có chuyển biến về nhận thức. 70% các câu hỏi nêu ra được giải đáp thỏa đáng từ những cán bộ tư vấn.

Hiện nay, hình thức truyền thông và tư liệu truyền thông về nội dung này còn “xơ cứng”, mang tính một chiều. Ngay trong cách tuyên truyền của người làm công tác dân số cũng chưa khuyến khích được nam giới cùng tham gia. Những người làm công tác tư vấn cộng đồng còn tư vấn chung chung, ít quan tâm đến tâm lí khách hàng.

Địa điểm tổ chức các hoạt động truyền thông còn rất xa nên người dân đi lại khó khăn, nhất là ở miền núi, sinh hoạt nhóm chủ yếu được thực hiện vào ban đêm và không có kinh phí hỗ trợ đi đường, trong khi đó, việc huy động kinh phí của địa phương hạn chế. Các điểm truyền thông cũng còn ít, thông thường mỗi xã có 5-7 thôn nhưng chỉ tổ chức được 1-2 thôn.

* Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông

Hiện nay, công tác dân số ở tỉnh ta còn nhiều thách thức. Quy mô dân số cao, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao, dân số trẻ, mức sinh cao, vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên chưa được quan tâm đúng mức, tỉ lệ nam giới tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thấp, tình trạng chênh lệch giới còn ở mức báo động… Do đó, công tác TTTĐHV cần phải được chú trọng, đẩy mạnh.

Một lãnh đạo ngành dân số cho biết: “Hình thức truyền thông hiệu quả được các nhà chuyên môn diễn tả như những “đợt sóng” tiếp nối, liên tục và đều đặn. Do đó, trong thời gian tới, cần tư vấn sâu theo nhóm đối tượng, khơi dậy các nhu cầu từ người tham dự các buổi thảo luận, hạn chế tuyên truyền chung chung gây sự nhàm chán cho các đối tượng tham gia. Để làm được điều này, đội ngũ tư vấn viên phải được tập huấn, huấn luyện kỹ năng tuyên truyền vận động”.

  • Minh Đức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
An toàn để trẻ em sống và phát triển!  (09/05/2008)
Những thách thức trong công tác dân số  (25/04/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn từ các địa phương  (11/04/2008)
Tôi hy vọng có một sự tiếp nối tốt đẹp  (04/04/2008)
Vận động trẻ em lang thang hồi gia  (28/03/2008)
Cần những giải pháp quyết liệt hơn  (21/03/2008)
Những mầm sống bị chối bỏ  (14/03/2008)
Niềm tin của gia đình trẻ khuyết tật  (07/03/2008)
Chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng  (29/02/2008)
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn  (22/02/2008)
Chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số  (15/02/2008)
Tết vui với trẻ khó khăn  (15/02/2008)
Thêm nhiều đối tượng được ưu tiên  (31/01/2008)
Tổ ấm của những mảnh đời bất hạnh  (25/01/2008)
Tổng kết hoạt động Dự án Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2007  (23/01/2008)