|
Giáo sư Mai Kỷ |
Trăn trở trước nhữngï thay đổi của bộ máy tổ chức DS-KHHGĐ cũng như lo lắng trước những cảnh báo về mức sinh thời gian tới có thể tăng đột biến, GS Mai Kỷ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã có bài viết tâm huyết. Báo Bình Định xin lược đăng bài viết này.
Thập niên 90 của thế kỷ trước, công tác DS-KHHGĐ đạt kết quả tốt, tỉ lệ phát triển dân số hàng năm giảm đều và nhanh. Năm 1999 Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ Việt Nam được trao Giải thưởng Quốc tế về Dân số của Liên Hợp Quốc. Giải thưởng này nói lên bước ngoặt trong đánh giá của LHQ đối với chương trình DS-KHHGĐ của Việt Nam.
Đầu năm 1993, Nghị quyết TƯ 4, khóa 7 về Chính sách DS-KHHGĐ đặt mục tiêu đạt mức sinh thay thế vào năm 2015. Tuy nhiên, đến đầu năm 1997, thấy hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch 10 năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký chỉ thị giao nhiệm vụ đạt mục tiêu vào năm 2005. Công việc đang tiến triển thì sang thập niên này, công tác DS-KHHGĐ 2 lần gặp khó khăn. Lần thứ nhất năm 2002-2003, vào thời điểm ban hành Pháp lệnh Dân số khi Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ vừa hợp nhất với Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em Việt Nam thành Ủy ban DS-GĐ&TE. Lần thứ 2 vào thời điểm hiện nay, từ khi ban hành văn bản về sắp xếp lại tổ chức các cơ quan của Chính phủ năm 2007.
Cả 2 lần này đều liên quan đến sắp xếp tổ chức và cách viết các văn bản của Nhà nước, phần liên quan đến DS-KHHGĐ. Lần thứ nhất, trong khi Ủy ban DS-GĐ&TE các cấp mới hình thành, chưa kịp vận hành tốt thì công tác DS-KHHGĐ gặp khó khăn do cách viết về quyền sinh con trong Pháp lệnh Dân số và lần thứ 2 này, văn bản về sắp xếp các cơ quan của Chính phủ dùng cụm từ “giải thể Ủy ban DS-GĐ&TE” đã làm bùng lên các luồng dư luận trong nhân dân và cán bộ là “từ nay sinh đẻ thoải mái không hạn chế”, “Ủy ban DS-GĐ&TE đã bị giải thể”, “Nhà nước không quản lý công tác DS-KHHGĐ nữa”...
Một số lãnh đạo địa phương còn “xóa sổ” Ủy ban DS-GĐ&TE cấp tỉnh, huyện để phân tán cơ sở vật chất (nhà cửa, xe cộ...) về cho các ngành khác, kể cả hệ thống máy tính chứa đựng các dữ liệu về dân cư mà ngành DS-KHHGĐ đã xây dựng được trong nhiều năm qua.
Đáng lo nhất là đã làm hoang mang, rệu rã hệ thống chuyên trách DS-KHHGĐ ở các địa phương, đặc biệt là hơn 1 vạn cán bộ chuyên trách ở xã, phường và 15 vạn cộng tác viên (CTV) dân số ở các thôn, bản trong cả nước. Đây là một đội ngũ rất quý, chính họ đã tạo ra sự thành công có thể nói là ngoạn mục của công tác DS-KHHGĐ thời gian qua.
Công tác DS-KHHGĐ không thành công nếu làm theo lối áp đặt. Phải làm cho từng cặp vợ chồng chuyển đổi hành vi trên cơ sở chuyển đổi nhận thức. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, các CTV dân số kiên trì, tận tụy “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” chẳng những là những người làm tốt nhất việc chuyển đổi nhận thức, hành vi của các cặp vợ chồng trong khu vực phụ trách, mà còn giúp đỡ họ đi thực hiện các dịch vụ KHHGĐ (phân phát và hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai phi lâm sàng là bao cao su và thuốc viên uống tránh thai), đưa đón đến các cơ sở y tế để thực hiện các dịch vụ KHHGĐ lâm sàng (đặt vòng tránh thai, tiêm hoặc cấy thuốc tránh thai, triệt sản nam và nữ...), động viên họ tham gia các đợt truyền thông lồng ghép với CSSKSS và thực hiện dịch vụ KHHGĐ.
Vì vậy, làm rệu rã hệ thống chuyên trách và CTV dân số là làm tan vỡ nền móng của tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ trong điều kiện phát triển kinh tế và tâm lý xã hội của nước ta chưa thuận lợi cho công tác này như hiện nay.
Mặt khác, từ khi có Luật Ngân sách, việc phân cấp ngân sách về địa phương không kèm theo ràng buộc đối với các hoạt động của chương trình mục tiêu, đặc biệt là các chương trình mà kết quả thực hiện không dễ nhận biết trong thời gian của một nhiệm kỳ bầu cử, như chương trình DS-KHHGĐ, làm cho việc sử dụng ngân sách dành cho chương trình kém hiệu quả, thậm chí còn bị “bẻ ghi” sang các hoạt động khác, ngược với sự đóng góp thêm của ngân sách địa phương mà chương trình đã vận động được trong thập niên trước.
Rõ ràng là những khó khăn trên bắt nguồn từ những quyết định và những văn bản ở tầm vĩ mô, cho nên phải được khắc phục trước hết bằng những biện pháp ở tầm vĩ mô. Đối với Pháp lệnh Dân số, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 47 về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ” ra ngày 22.3.2005, trong đó đặt vấn đề phải sửa Pháp lệnh Dân số. Đáng tiếc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước chưa thực hiện với lý do để sửa luôn trong Luật Dân số, mà xét tính cấp bách và khả năng chuẩn bị thì Luật này sớm nhất cũng đến 2010 mới ban hành được.
Lần này khó khăn lại lớn hơn, vì ngoài những dư luận không thuận lợi cho công tác DS-KHHGĐ, hệ thống làm công tác này còn bị rệu rã (các cán bộ trong ngành DS-KHHGĐ so sánh tác động của lần trước như một cơn lốc, thì lần này là một cơn bão).
Vì vậy chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét chấn chỉnh tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ theo hướng xuất phát từ việc phát huy tối đa hệ thống chuyên trách và CTV dân số ở cấp xã, phường, thôn bản để quyết định hình thức tổ chức ở cấp huyện và cấp tỉnh cho phù hợp. Về cơ chế thì đề nghị Quốc hội phân cấp ngân sách cho công tác DS-KHHGĐ theo “phương pháp chương trình mục tiêu”, đảm bảo nguồn kinh phí Quốc hội phân bổ cho công tác DS-KHHGĐ chỉ được sử dụng cho các hoạt động được xác định từ “cây mục tiêu” của chương trình, tạo thành những véc - tơ đồng hướng, làm cho chương trình DS-KHHGĐ đạt kết quả cao nhất, từ những chi phí ít nhất và trong thời gian ngắn nhất. Xây dựng tổ chức và xác lập cơ chế phù hợp là 2 yếu tố quyết định sự thành công của chương trình DS-KHHGĐ thập niên 90, cũng như người công nhân làm ra sản phẩm tốt nhờ chọn được công cụ và công nghệ thích hợp.
Tình trạng công tác DS-KHHGĐ bị “mất đà” làm cho việc tiếp tục giảm nhanh tỉ lệ phát triển dân số để sớm ổn định quy mô dân số sẽ khó khăn hơn. Tỉ lệ sinh tăng cùng với tâm lý thích con trai cũng sẽ làm tăng mất cân bằng giới tính.
Tỉ lệ phát triển dân số tăng trở lại và mất cân bằng giới tính tăng là hai nguy cơ cho đất nước, nhưng hoàn toàn có thể tránh được nếu lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao, sớm nhận thức và quyết tâm ngăn chặn, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
(*) Tít bài do Tòa soạn đặt
|