5 bông hoa vượt khó, học giỏi
14:37', 6/6/ 2008 (GMT+7)

Cuộc gặp mặt “Trẻ em nghèo vượt khó học giỏi” toàn quốc năm 2008  vừa được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức tại Hà Nội nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Tỉnh ta có 5 em trong số 55 em của 11 tỉnh, thành tham dự. Mỗi em được nhận học bổng 3 triệu đồng và nhiều quà tặng có giá trị. Báo Bình Định giới thiệu 5 gương mặt tiêu biểu nói trên.

 

Từ trái sang phải: Võ Lê Chí Thanh, Ngô Duy Trí, Nguyễn Thị Thu Sương, Nguyễn Thị Tường Vi, Trương Thị Thanh Thuận. Ảnh: L.A

 

* Ước mơ của cô bé chạy bàn

Em có cha nhưng chưa một lần được cha quan tâm, chăm sóc. Còn mẹ em bị tật ở hai chân, đi lại rất khó khăn. Trước đây, mẹ em bán thuốc lá trước rạp chiếu bóng 31-3 và làm nghề đan thuê, thu nhập không đủ cho cuộc sống của 3 người (em còn bà ngoại trên 80 tuổi). Giờ mẹ em đi rửa chén, bát thuê cho một tiệm phở. Còn em ngoài giờ học phải làm thêm công việc chạy bàn ở một quán ăn. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng em luôn cố gắng học tập. Em đã đạt học sinh giỏi 7 năm liền. Đó là sơ lượt cuộc đời của em Trương Thị Thanh Thuận, học sinh lớp 7A2, trường THCS Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, chủ nhiệm lớp của Thuận nhận xét: “Em Thuận đã biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình, siêng năng, chăm chỉ trong học tập; học giỏi tất cả các môn, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, là cháu ngoan Bác Hồ”.

Nói về ước mơ, em Trương Thị Thanh Thuận cho biết: “Em sẽ cố gắng học giỏi để lớn lên được vào ngành sư phạm, trở thành cô giáo dạy văn”.

* Chỉ mong mẹ mau khỏi bệnh

Em Võ Lê Chí Thanh, học sinh lớp 4C, trường Tiểu học thị trấn Bình Định cho biết: Em không có cha, mẹ bị bệnh tâm thần đang điều trị tại Trung tâm tâm thần Hoài Nhơn. Năm 4 tuổi em phải cùng mẹ sống lang thang ở TP Hồ Chí Minh. Một đêm mẹ con em đang ngủ ở một lều chợ, thì được các cô chú ở Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Hồ Chí Minh đến đưa về sinh sống ở Trung tâm. Và sau đó được đưa về sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định cho đến nay. Sau 6 năm sống trong tình thương yêu của các cô bảo mẫu và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè cùng hoàn cảnh, sức học tập của em có nhiều tiến bộ! Em đạt học sinh khá 4 năm liền. Ngoài học tập, em còn biết chơi một số môn thể thao như: bóng bàn, cầu lông, cờ tướng... Em mong ước có một ngày nào đó mẹ em sẽ hết bệnh để trở về sống với em.

* Trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho trẻ em nghèo

Nghe tin em Nguyễn Thị Tường Vi, học sinh lớp 5D, trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt được đi dự gặp mặt biểu dương “trẻ em nghèo vượt khó học giỏi” toàn quốc, bà con và các bạn nhỏ ở xóm lao động nghèo tổ 23, khu vực 4, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn hết sức vui mừng. Ở trong xóm, các em nhỏ đi đâu cũng khoe: bé Vi được đi Hà Nội.

Gia đình Vi có hoàn cảnh khó khăn, ba là thương bệnh binh, thường hay đau ốm, mẹ buôn bán nhỏ trong xóm lo cho chị em ăn học. Ý thức được hoàn cảnh của mình, nên Vi luôn tự giác trong học tập và rèn luyện. 5 năm liền em đều đạt học sinh giỏi xuất sắc. Riêng năm học 2007-2008, em đạt học sinh giỏi cấp thành phố. Ngoài chuyên cần học tập, em còn giúp mẹ làm được nhiều việc như: dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, trông em...

Em mơ ước lớn lên trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho trẻ em nghèo.

* Học giỏi, công tác đội cũng giỏi

Em Ngô Duy Trí, học sinh lớp 5B, Liên đội trưởng trường Tiểu học Canh Hiển, huyện Vân Canh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo; 5 tuổi đã mồ côi cha và 10 tuổi thì mồ côi mẹ. Hiện tại, 5 anh chị em Trí sống nương tựa vào nhau. Hàng ngày sau khi đi học về, em tham gia giúp chị công việc nhà, phụ chị bó củi bán kiếm tiền lo sách vở học tập.

Là cán bộ chỉ huy công tác Đội, Trí xác định: muốn làm tốt công việc chỉ huy đội trước hết phải học giỏi, gương mẫu. 5 năm liền Trí đều đạt học sinh giỏi xuất sắc. Riêng năm học 2007-2008, em đạt học sinh giỏi cấp huyện. Ngoài học tập và công tác Đội, em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Em ao ước: trẻ em nghèo ở tỉnh ta luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các cá nhân có lòng hảo tâm để được đi học, được sinh hoạt, vui chơi và được thực hiện quyền cũng như bổn phận của mình.

* Học giỏi để lo cho 2 em

Em Nguyễn Thị Thu Sương, học sinh lớp 6A1, trường THCS Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Ba em bị bệnh hiểm nghèo và mất năm em mới 6 tuổi, 2 đứa em còn rất nhỏ. Hàng ngày mẹ xuống khu 2 gánh cá mướn tần tảo nuôi các con. Nhưng mẹ lại bị bệnh rồi ra đi mãi mãi. Từ khi mẹ mất, 3 chị em về sống với bà nội già yếu. Được nội thương yêu chăm sóc và nhất là các ban ngành, đoàn thể ở phường Quang Trung quan tâm, nên 3 chị em từng bước ổn định cuộc sống và tiếp tục học tập. Không phụ sự giúp đỡ của các cô, chú ở địa phương và ghi nhớ lời mẹ dặn “phải ráng học tập thật giỏi để lo cho 2 em” nên em đã vượt qua khó khăn, tập trung cho học tập. 6 năm qua, Thu Sương đều đạt học sinh khá, giỏi. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã thấu hiểu hoàn cảnh của mình, tự động viên để vượt qua và giúp các em an tâm trong cuộc sống và học tập.

  • La Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công tác DS-KHHGĐ không thành công nếu làm theo lối áp đặt (*)  (24/05/2008)
Còn nhiều thách thức !  (16/05/2008)
An toàn để trẻ em sống và phát triển!  (09/05/2008)
Những thách thức trong công tác dân số  (25/04/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn từ các địa phương  (11/04/2008)
Tôi hy vọng có một sự tiếp nối tốt đẹp  (04/04/2008)
Vận động trẻ em lang thang hồi gia  (28/03/2008)
Cần những giải pháp quyết liệt hơn  (21/03/2008)
Những mầm sống bị chối bỏ  (14/03/2008)
Niềm tin của gia đình trẻ khuyết tật  (07/03/2008)
Chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng  (29/02/2008)
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn  (22/02/2008)
Chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số  (15/02/2008)
Tết vui với trẻ khó khăn  (15/02/2008)
Thêm nhiều đối tượng được ưu tiên  (31/01/2008)