Mới hơn 3 tuần nghỉ hè mà đã có hàng trăm trường hợp trẻ em bị các tai nạn thương tích như: chết đuối, bị súc vật cắn, tai nạn giao thông, té ngã… mà nguyên nhân chính là do sự thiếu cảnh giác của các em và của gia đình.
Tai nạn xảy ra thường do các em tụ tập leo trèo; đá banh ngoài đường phố; chạy xe đạp hàng ba, hàng tư; rủ nhau đi tắm biển, sông, suối… Đối với các trường hợp chết đuối thường là do các em chủ quan, nghĩ mình biết bơi nhưng chưa lường hết đoạn sông, suối hoặc biển cả có dòng nước chảy xiết, hố sâu, sóng to… Em Nguyễn Văn Thức (12 tuổi), học sinh lớp 6, Trường THCS Cát Tường (Phù Cát) đi tắm ao làng cùng 4 bạn nhỏ và em bị chìm xuống đáy ao, khi vớt lên thì đã muộn. Hay như trường hợp em Nguyễn Thành Khoa (13 tuổi), ở khu vực 6, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn rủ bạn ra sông Hà Thanh (khu vực gần cầu Chữ Y) tắm, bị hụt chân trong vùng nước sâu chết đuối.
Vào mùa hè nhưng ở một số đoạn sông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bởi các hố sâu do nạn hút cát như những “cái bẫy” vô tình đối với các em ham tắm sông. Cũng có trường hợp chỉ lội qua tràn cũng bị cuốn trôi và chết đuối như trường hợp đã xảy ra ở xã Nhơn Hạnh (An Nhơn). Nhiều em không biết bơi, nhưng thấy bạn bè rủ cũng đi tắm và dẫn đến hậu quả đáng tiếc!
Cùng với nhiều hoạt động khác, nhằm hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2008, Sở LĐ-TB&XH chủ trương phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai đợt tuyên truyền “phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Đợt tuyên truyền chủ yếu tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là trẻ em hiểu biết về nguyên nhân và cách phòng tránh các tai nạn thương tích thường xảy ra như: té ngã, tai nạn giao thông, điện giật, bỏng, bạo lực, súc vật cắn, ngộ độc thực phẩm và đuối nước… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác chung.
Trong nội dung phòng chống đuối nước cho trẻ em có các hoạt động cụ thể: phổ biến bơi lội phòng chống đuối nước, hội thi bơi lội ở cơ sở, dạy bơi ở các Trung tâm VH- TDTT và từng bước đưa việc dạy bơi vào trường học.
Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội, đoàn thể, cần đẩy mạnh các đợt tuyên truyền trực tiếp cho người dân và trẻ em ở những vùng có nguy cơ cao. Và để hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là đuối nước, mọi người cần phải thật sự quan tâm xây dựng “cộng đồng an toàn cho trẻ em” theo các nội dung: cây cối trong thôn xóm cần rào chắn để trẻ em khỏi leo trèo; phân luồng không cho xe cơ giới đi vào khu vực vui chơi của trẻ; phát quang cây cối, lắp đèn chiếu sáng các đầu mối giao thông; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ao hồ, sông, suối phải được rào chắn hoặc có biển báo nguy hiểm; giếng, bể, lu đựng nước phải có nắp đậy chắc chắn. Các ngành chức năng cần tổ chức dạy bơi và phát động phong trào bơi lội trong các em; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, nhất là thức ăn bày bán ngoài đường...; không sử dụng gia súc, gia cầm bị chết hoặc nghi ngờ có bệnh; không thả rông súc vật và không để trẻ chơi đùa với súc vật nuôi trong nhà; súc vật phải được tiêm phòng, ra đường phải rọ mõm.
Tuy nhiên, điều trước tiên cần tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền- giáo dục, giúp cho người dân và các em thiếu niên nhi đồng hiểu biết về những mối nguy hiểm có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào. Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác trong sinh hoạt, trong đi lại, và trong vui chơi giải trí cho các em.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm tới sinh hoạt hè của các em, nhất thiết không để các em đi tắm sông suối mà không có người lớn đi cùng; không để các em tụ tập leo trèo, đá banh giữa đường phố…
Nhà trường cần phối hợp với Đoàn thanh niên và gia đình có biện pháp quản lý và tổ chức tốt các hoạt động hè: vui chơi giải trí, lao động phù hợp, ôn tập văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội thiết thực, an toàn, giúp cho các em có một mùa hè bổ ích và lý thú.
|