Một số giải pháp để kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh
18:2', 2/1/ 2009 (GMT+7)

Đến cuối tháng 11.2008, tỉ số giới tính khi sinh ở Bình Định là 116/100. Tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra phổ biến ở các địa phương trong tỉnh.

 

Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm y tế xã Cát Thành (Phù Cát). Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Chênh lệch giới tính và những hệ lụy

Năm 1989, Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính với 111 bé trai/100 bé gái. Ở nước ta, năm 2007, tỉ lệ chênh lệch giới tính là 112/100. Còn tại Bình Định, từ năm 2004 đến nay, chênh lệch giới tính đã vượt tỉ số giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên. Nhiều địa phương trong tỉnh có tỉ số giới tính từ 110/100 trở lên. Đến cuối tháng 11.2008 là 116/100.

Nguyên nhân của tình trạng này có rất nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Quỹ dân số (DS) Liên hợp quốc khẳng định, sự tồn tại không thể phủ nhận hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh ở các bậc cha mẹ. Điều này hoàn toàn đúng khi nói về sự ưa thích con trai, một thái độ dựa trên nếp suy nghĩ đã hằn sâu trong mỗi gia đình và hệ giới. Trong những năm qua, một số hoạt động nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính đã được tiến hành nhưng chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản về theo dõi, kiểm tra, nghiêm cấm thực hiện các dịch vụ nhằm lựa chọn giới tính thai nhi.

Kinh nghiệm từ các quốc gia, mất cân bằng giới tính khi sinh gây nhiều hệ lụy cho đời sống KT-XH. Đơn cử là sự thay đổi cơ cấu DS, tỉ lệ giới tính ở các nhóm tuổi trong DS kéo theo thay đổi về cơ cấu nghề. Trong tương lai không xa sẽ thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình dẫn đến một tỉ lệ nam giới sẽ phải “trì hoãn” việc cưới vợ và tác động lâu dài đến các thế hệ nam giới trẻ hơn (do tác động tích lũy của tỉ số giới tính khi sinh cao của các thế hệ trước). Cấu trúc gia đình cũng thay đổi đáng kể; một số nam giới có thể phải lựa chọn (hoặc rơi vào) tình trạng sống độc thân. Điều này cũng góp phần làm tăng tình trạng lạm dụng tình dục, tệ nạn buôn bán phụ nữ và tảo hôn.

* Làm gì để kiểm soát?

Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết, Bình Định là 1 trong 10 tỉnh, thành của cả nước được Trung ương chọn triển khai đề án can thiệp thí điểm góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Đề án này sẽ bắt đầu triển khai trong năm 2009 với mục tiêu từng bước khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính.

Theo đề án sẽ có 3 nhóm mục tiêu và giải pháp để kiểm soát sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường cung cấp thông tin về giới, về sự mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh sản theo quy luật tự nhiên. Thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh. Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất.

Việc thực hiện những hoạt động khuyến khích và hỗ trợ tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội học tập nâng cao trình độ, có điều kiện đóng góp công sức nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai, những tập tục lạc hậu sẽ được xóa bỏ và loại dần ra khỏi đời sống xã hội, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ.

Đề án được triển khai sẽ làm giảm tỉ lệ phá thai, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, góp phần thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện tốt các mục tiêu của đề án, từng bước đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại cân bằng, trong tương lai, giới tính của DS của tỉnh không bị mất cân bằng theo chiều hướng thừa nam thiếu nữ, sẽ góp phần tạo ra sự ổn định xã hội và phát triển bền vững.

  • T.Hiền

Một số mục tiêu cơ bản của đề án đến năm 2010:

- 70% người dân trong tỉnh có hiểu biết cơ bản về hậu quả tình trạng mất cân bằng giới tính, biết lựa chọn giới tính khi sinh là bất hợp pháp.

- 75-80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hiểu biết đầy đủ về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh đối với việc kết hôn trong tương lai của con cái họ.

- 90-95% người cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai, xét nghiệm có hiểu biết cơ bản về hậu quả của mất cân bằng giới tính và 95-100% các cơ sở cam kết không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt  (12/12/2008)
Nỗ lực phối hợp phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo  (05/12/2008)
Bạo lực gia đình: Chuyện không riêng của mỗi nhà  (28/11/2008)
Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực  (21/11/2008)
Góp phần nâng cao chất lượng sống của bà mẹ và trẻ em  (20/11/2008)
Loay hoay với chế tài kiểm soát !  (14/11/2008)
Vẫn chưa về đích!  (31/10/2008)
Can thiệp sớm góp phần nâng cao chất lượng dân số  (31/10/2008)
Lao động trẻ em: Nguyên nhân và giải pháp  (25/10/2008)
Triển khai chiến dịch tuyên truyền, lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ đợt III  (25/10/2008)
Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (03/10/2008)
Cộng đồng trách nhiệm để ngăn chặn trẻ em lang thang  (19/09/2008)
“Một ly miễn phí cho trẻ em mỗi ngày”  (08/08/2008)
Huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cộng đồng  (01/08/2008)
Tặng 70 ngàn hộp sữa cho trẻ em nghèo  (31/07/2008)