Ngày 8.1, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Bình Định”. Theo đó, dự án được triển khai trong 2 năm 2009-2010, với số tiền 174 nghìn USD, tác động đến 350 người khuyết tật ở 10 xã của huyện Phù Cát, trong đó có 200 trẻ em khuyết tật.
|
Trao xe lăn cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: La Ánh
|
Mục tiêu của dự án là cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em và nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ về điều kiện phát triển kinh tế và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật và gia đình; thực hiện mô hình chăm sóc trẻ khuyết tật tại cộng đồng theo nhóm; nâng cao trình độ chuyên môn về PHCN cho người khuyết tật và khả năng hỗ trợ người khuyết tật của cộng tác viên, cán bộ y tế xã và người thân trong gia đình có trẻ khuyết tật; nâng cao năng lực cho cán bộ Sở LĐ-TB-XH và Phòng LĐ-TB-XH huyện Phù Cát trong quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật.
Dự án do Quỹ Ford tài trợ thông qua tổ chức Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ gọi tắt là VNAH); tác động tới 350 người khuyết tật ở 10 xã của huyện Phù Cát là: Cát Tân, Cát Trinh, thị trấn Ngô Mây, Cát Hanh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Tiến và Cát Chánh, trong đó có 200 trẻ em khuyết tật sẽ được tiếp cận các dịch vụ PHCN. |
Các hoạt động chính của dự án gồm: tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu cuộc sống hiện tại của người khuyết tật cũng như đối tác ở địa phương, qua đó xác định những người được hưởng lợi của từng xã; sau khi lập danh sách, tổ chức khám phân loại bệnh tật, chỉ định can thiệp y tế, PHCN và cũng trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch tập huấn cho 40 người (4 người/xã), trong đó 20 người có chuyên môn về y tế. Nâng cấp Trung tâm PHCN cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng xã Cát Hưng (được xây dựng từ năm 2006). Nhiệm vụ của trung tâm này là phục vụ 50 người khuyết tật trong xã và các xã lân cận, cử cán bộ chuyên môn tham gia hoạt động ngoại viện nhằm giúp cán bộ y tế và cộng tác viên phục hồi chức năng.
Trung tâm Cát Hưng sẽ thí điểm mô hình dịch vụ chăm sóc bán trú cho 15 trẻ em khuyết tật. Các em sẽ được luyện tập phục hồi chức năng, cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe và vui chơi học tập, sớm hòa nhập cộng đồng. Dự án sẽ hỗ trợ một phần tiền đi lại, ăn trưa cho các gia đình nhằm khuyến khích phụ huynh đưa con em đến luyện tập và chăm sóc. Dự án sẽ giảm dần và ngưng các khoản hỗ trợ khi kết thúc. Phụ huynh và ngân sách địa phương tiếp tục duy trì và đảm bảo chi phí cho hoạt động của Trung tâm nhằm bảo đảm tính bền vững tại cộng đồng của mô hình dịch vụ chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 63.800 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 4% dân số, trong đó có 14.065 người là nạn nhân chất độc da cam-dioxin; có 7.028 trẻ em khuyết tật. Riêng huyện Phù Cát có 8.415 người khuyết tật, trong đó có 927 trẻ em. Đa số người khuyết tật có học vấn thấp, sống chủ yếu phụ thuộc vào gia đình. Chỉ có 25% người khuyết tật hoạt động kinh tế có thu nhập, nhưng thu nhập thấp và không ổn định. |
Theo dự án, một Trung tâm PHCN cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng mới sẽ được xây dựng tại xã Cát Tân với quy mô phục vụ 50 người khuyết tật trong xã và các xã lân cận. Trung tâm này tổ chức các hoạt động tương tự như Trung tâm Cát Hưng. Ngoài ra, Dự án còn thí điểm mô hình sử dụng nhà của phụ huynh có con em bị khuyết tật làm nơi luyện tập cho nhóm 3-4 trẻ khuyết tật, với 2 phụ huynh được đào tạo và liên kết chọn 2 cộng tác viên cộng đồng cho mỗi xã để phục vụ cho người khuyết tật tại nhà, hướng dẫn thân nhân của họ chăm sóc, tập vật lý trị liệu tại nhà và hướng dẫøn họ tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, việc làm, vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…
Ngoài ra, dự án cũng đã quan tâm xây dựng kế hoạch nhằm cung cấp dịch vụ PHCN; tăng cường sự tham gia của người khuyết tật thông qua các nhóm tự lập; xây dựng các nhóm tương trợ, tư vấn đồng đẳng; cải thiện đời sống cho người khuyết tật; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác xã hội; thực hiện các chính sách vì người khuyết tật ở địa phương…
|