Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển; nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, được coi là những mục tiêu số 1 của ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong thời gian tới, nhằm từng bước cải thiện chất lượng giống nòi.
|
Chất lượng dân số thấp, mức sinh chưa ổn định, mất cân bằng giới tính... là những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.
|
* Kiểm soát dân số vùng biển
DS vùng biển của tỉnh có khoảng 378,3 ngàn người. Trong đó, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có khoảng 100,9 ngàn người; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng khoảng 69,9 ngàn người (năm 2009). Những hạn chế trong lĩnh vực DS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở vùng biển, là: tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên (21,1%) cao hơn mức bình quân của tỉnh (18,5%). Ở các xã ven biển của huyện Phù Cát, tỉ lệ này còn lên đến 28,9%. Nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là sinh con trai. Mật độ DS vùng biển đã đông lại ngày càng đông hơn, do dân di cư đến vùng biển lao động, sinh sống. Mặt khác, tỉ suất chết mẹ, mang thai ngoài ý muốn ở đây còn cao. Tỉ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao. Số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ còn đáng lo ngại. Cơ sở vật chất, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu…
Kiểm soát quy mô DS các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 380 ngàn người vào năm 2009; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ cho người dân; nâng cao chất lượng DS khi sinh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ; nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ là những mục tiêu mà Đề án 52 (ngày 1.9.2009), giai đoạn 2009-2020 của tỉnh sẽ hướng đến với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể…
* Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Đề án này sẽ được thực hiện nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh. Đề án hướng đến các mục tiêu cụ thể: tăng cường cung cấp thông tin về giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ siêu âm và phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng, nhằm hạn chế những hành vi không phù hợp với việc sinh sản theo quy luật tự nhiên. Thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh. Khuyến khích hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất.
Dự án sẽ có các hoạt động như: Tổ chức hội thảo chuyên đề cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng; tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh; tổ chức tuyên truyền ở tuyến xã; nói chuyện chuyên đề về giới tính khi sinh tại cộng đồng; hội thảo cung cấp thông tin về giới tính khi sinh với phóng viên báo, đài và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, nhân bản và cung cấp các sản phẩm truyền thông; tư vấn trực tiếp cho nam và nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn; rà soát và đề xuất sửa đổi, ban hành các quy định, chính sách của địa phương liên quan đến giới và giới tính khi sinh; xây dựng các mô hình lồng ghép nhằm tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng…
* Phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh
Đề án này được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13.8.2009, nhằm nâng cao chất lượng DS thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh, đến năm 2010, nhằm nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2010, tại các nơi triển khai Đề án, 100% cán bộ y tế tham gia Đề án phải có được kỹ năng tuyên truyền, tư vấn và 90% số bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Phối hợp với Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực miền Trung (Trường Đại học Y Dược Huế) xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh, để đến cuối năm 2010, đảm bảo cho 7 huyện, thành phố trong tỉnh triển khai sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm; 65 số xã, thị trấn trong tỉnh triển khai sàng lọc sơ sinh; 50% số phụ nữ có thai tại các huyện triển khai Đề án được sàng lọc trước sinh; 60% số trẻ sơ sinh tại các xã triển khai Đề án được sàng lọc sơ sinh.
Trước hết, trong năm 2009, Đề án triển khai tại 2 huyện An Nhơn (6 xã, thị trấn) và Hoài Ân (6 xã, thị trấn). Năm 2010, sẽ mở rộng sang các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, TP Quy Nhơn. Đảm bảo đến năm 2010, 70% số xã tại mỗi huyện triển khai sẽ được tham gia Đề án...
|