Tỉnh Bình Định có 32 xã, phường, thị trấn ven biển thuộc các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Những năm qua, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 ở các xã đảo, ven biển ở tỉnh ta là 21%, cao gấp 7 lần mức bình quân của tỉnh.
|
Bác sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế (người đứng), tại Hội thảo Lồng ghép tuyên truyền về giới tính khi sinh. Ảnh: Q.K
|
Bác sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện dân số vùng biển của tỉnh có khoảng 378.300 người, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 100.900 người. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại vùng này còn nhiều hạn chế và bất cập.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về những hạn chế trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở vùng biển đảo và ven biển?
- Có 3 vấn đề lớn trong công tác DS-KHHGĐ ở vùng biển đảo và ven biển gây nhức nhối những người làm công tác DS-KHHGĐ. Thứ nhất, tỷ lệ sinh con thứ 3 rất cao, khoảng 21,1%, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh (khoảng 18,8%), tại một số nơi tỷ lệ này lên tới 28,9%. Thứ 2, tại những vùng biển đảo hiện nay, mật độ dân số rất đông, tới 16 người/km2, và mật độ này ngày càng đông do người dân di cư từ các vùng khác đến để sinh sống. Thứ 3, tỷ lệ chết mẹ, mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS, cũng cao hơn so với các vùng khác. Ngoài ra, cơ sở vật chất và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ ở những vùng này cũng còn nhiều bất cập.
* Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ dân số ở vùng biển đảo và ven biển?
- Việc bùng nổ dân số ở vùng biển đảo và ven biển xuất phát từ việc sinh con thứ 3 trở lên rất phổ biến. Qua đợt khảo sát nhanh tại cộng đồng, thì đa phần người làm biển đều mong muốn có con trai để đáp ứng nhu cầu nghề biển. Những nhà có 2 con gái đều cố sinh thêm để có con trai. Ngoài ra, một số các quan niệm khác như muốn có con trai để nối dõi tông đường hoặc do mang thai ngoài ý muốn cũng làm tăng thêm số người sinh con thứ 3 trở lên. Cũng có nơi, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên tại tuyến cơ sở chưa tốt. Thậm chí có nơi, cả cộng tác viên dân số cũng sinh con thứ 3, thứ 4. Thêm nữa, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở cơ sở còn thiếu và yếu, chưa phù hợp đặc điểm và tập quán của người dân vùng biển....
* Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở vùng biển đảo và vùng ven biển?
- Không cứ gì vùng biển, đảo và ven biển, mà nhìn chung hiện nay, phụ nữ và nam giới sử dụng biện pháp tránh thai rất đa dạng, kể cả những biện pháp tránh thai lâm sàng như triệt sản, đặt vòng, thuốc tiêm tránh thai. Có những vùng thuốc tiêm tránh thai rất được nhiều người sử dụng, lại có những vùng bao cao su hoặc viên uống tránh thai được coi như các biện pháp tránh thai chủ lực... Mặt khác, Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển đảo, ven biển” thực hiện từ năm 2009-2020 đang được triển khai đã có những can thiệp rất đặc thù cho vùng biển đảo và ven biển. Theo Đề án này, năng lực cho y tế tuyến cơ sở sẽ được tăng cường; những hoạt động truyền thông cũng như cung cấp dịch vụ mang tính chất đặc thù sẽ được triển khai tích cực và cụ thể hơn… Chắc chắn, những điều này sẽ giúp cho vùng biển đảo và ven biển thực hiện tốt hơn công tác DS- KHHGĐ cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản.
* Ngoài các hoạt động của Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển đảo, ven biển”, tỉnh còn có chiến lược riêng nào để việc kiểm soát dân số trong tỉnh nói chung đạt kết quả tốt hơn?
- Ngoài những vùng biển đảo, ven biển, tỉnh cũng rất lưu ý các vùng miền núi, dân tộc thiểu số... Mỗi vùng sẽ có những can thiệp mang tính chất đặc thù hơn. Sắp tới, sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá toàn bộ vùng biển đảo, ven biển để có những thông tin về kiến thức thực hành của người dân về DS-KHHGĐ; về khả năng cung cấp dịch vụ của các trạm y tế, của các đội KHHGĐ tại huyện. Sau đó, dựa trên sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn kinh phí của địa phương, để đề ra những giải pháp cụ thể và đặc thù hơn cho mỗi vùng miền.
* Cảm ơn ông!
|