Sau khi giải thể Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em các cấp, tính đến thời điểm hiện nay, đội ngũ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là tuyến xã) vẫn thiếu ổn định, thường xuyên biến động. Đội ngũ này xuất phát từ nhiều ngành nghề không phù hợp với công tác dân số; chưa được đào tạo, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ…
|
Cán bộ DS-KHHGĐ là những người vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. - Trong ảnh: Hội nghị biểu dương cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở tiêu biểu năm 2009.
|
* “Chênh vênh”
Đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ là những người ngày đêm trực tiếp tham gia tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở, cán bộ chuyên trách là hạt nhân tham mưu phối hợp với cấp xã xây dựng các phong trào, mô hình. Đây cũng là mắt xích cuối cùng và quan trọng của bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.
Sau khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em, bộ phận làm công tác DS-KHHGĐ tuyến xã được bàn giao về trạm y tế xã. Tuy nhiên, việc quản lý số cán bộ này vẫn còn nhiều khó khăn, do trạm y tế quản lý con người, nhưng phụ cấp thì do UBND xã chi trả theo Nghị định 121. Thống kê sơ bộ từ các Trung tâm DS-KHHGĐ, cho thấy, hiện vẫn còn 41/159 xã chưa bàn giao cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ về trạm y tế. Cán bộ DS-KHHGĐ vẫn còn kiêm nhiệm cả công tác gia đình và trẻ em, tập trung ở TP Quy Nhơn và các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát và Hoài Nhơn.
15 năm công tác, ông Châu Văn Cần, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), hiện vẫn kiêm nhiệm luôn cả nhiệm vụ gia đình và trẻ em. Ông Cần thừa nhận: “Tôi biết mình có thừa nhiệt tình, gắn bó với công việc, nhưng hiện mới tốt nghiệp sơ cấp quản lý nên không đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn theo quy định của Thông tư 05. Vì thế, tôi vẫn đang kiêm nhiệm cả 3 nhiệm vụ, để chờ tuyển được người khác thay thế”.
Ông Hứa Tự Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Cái khó nhất hiện nay là nhân lực tuyến xã. Con người đưa về trạm, nhưng UBND xã lại chi trả phụ cấp. Đó là chưa kể, đưa cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ về trạm cũng bị vướng, bởi cán bộ trạm y tế hiện là viên chức hưởng lương theo ngạch bậc, trong khi cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ hưởng phụ cấp nên “sát nhập” đội ngũ này về trạm thì cũng chẳng biết bố trí vào mức lương nào”.
Việc đưa cán bộ chuyên trách về trạm y tế xã là chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm công tác DS-KHHGĐ được trở thành viên chức, được hưởng lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đại đa số cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ có trách nhiệm, nhiệt tình và đã gắn bó nhiều năm với công tác DS-KHHGĐ, nhưng đang rơi vào tình trạng “chênh vênh”, chưa ổn định, nên phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng và chất lượng hoạt động DS-KHHGĐ ở địa phương.
* Bổ sung viên chức cho ngành Y tế
Tỉnh ta hiện mới chỉ có 23,49% cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ đạt trình độ từ trung cấp trở lên; số còn lại không được đào tạo bài bản, chính quy. Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: “Phần đông cán bộ làm DS-KHHGĐ tuyến xã công tác lâu năm, nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn để tuyển dụng viên chức; còn nếu cho họ nghỉ việc thì rất đáng tiếc, bởi họ là những người có kinh nghiệm, tâm huyết...”.
Theo khảo sát của Đề án Tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, chỉ có 35/159 chuyên trách DS-KHHGĐ tuyến xã đủ điều kiện về bằng cấp để tuyển dụng viên chức. Bởi vậy, trong năm 2009, 35 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ đang làm việc, đã tốt nghiệp trung cấp hoặc trung cấp chính trị trở lên và có độ tuổi từ 18 đến 45, được tuyển dụng vào trạm y tế xã, được xếp lương theo trình độ đào tạo. Với những cán bộ chuyên trách đang hợp đồng làm việc, không có bằng trung cấp nhưng nhiệt tình công tác, độ tuổi còn trẻ thì sẽ được cử đi đào tạo chuyên môn để tuyển dụng. Số còn lại, do hạn chế về trình độ chuyên môn và lớn tuổi, sẽ được bố trí cho nghỉ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang cho biết, đến thời điểm này, vẫn còn vướng chỉ tiêu biên chế sự nghiệp và mã ngạch viên chức DS-KHHGĐ để tuyển dụng và phải chờ HĐND tỉnh quyết định. Trong đợt giám sát tình hình thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam từ năm 2006 đến 2009 của Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh, lãnh đạo ngành Y tế đã đề nghị HĐND và UBND tỉnh bổ sung 159 viên chức cho ngành Y tế để tuyển dụng vào trạm y tế làm công tác dân số đúng theo Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và Thông tư 05 của Bộ Y tế.
|