Tỉ số giới tính khi sinh tại Bình Định hiện đã vượt quy luật sinh sản tự nhiên, nguy cơ gây nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế - xã hội trong tương lai...
|
Qua thống kê từ báo cáo ở cơ sở, tỉ số giới khi sinh ở Bình Định từ năm 2005 đến năm 2008 luôn ở mức cao từ 114 đến 117. - Trong ảnh: Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng cao Vĩnh Kim - Vĩnh Thạnh. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Tỉ số giới tính là một chỉ số nhân khẩu học phản ánh cơ cấu giới tính của một bộ phận dân số, trong đó tỉ số giới tính khi sinh được các nhà nhân khẩu học quan tâm nhất. Tỉ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh trên một trăm trẻ em gái trong cùng một năm. Số này, theo quy luật tự nhiên thường vào khoảng từ 104 đến 106, nghĩa là cứ sinh được 100 cháu gái, tương ứng lại sinh được từ 104 đến 106 cháu trai. Giá trị của tỉ số này rất ổn định qua thời gian và không gian, giữa các châu lục, quốc gia, khu vực và chủng tộc người. Bất kỳ một sự thay đổi đáng kể nào của tỉ số trên chệch khỏi mức sinh học bình thường, đều phản ảnh những can thiệp có chủ định ở các mức độ khác nhau của con người.
Qua tổng hợp thống kê từ các báo cáo ở cơ sở, tỉ số giới khi sinh ở Bình Định từ năm 2005 đến năm 2008 luôn ở mức cao, từ 114 đến 117. Trong khi đó, cả nước từ 106 đến 112. Phải chăng từ đăng ký dân số chưa đầy đủ, thống kê không chính xác cũng làm mất cân bằng giới tính khi sinh một cách giả tạo? Chẳng hạn, đội ngũ cộng tác viên dân số báo cáo trẻ sinh ít chú trọng đến giới tính hoặc ghi nhầm giới tính, “họ và tên” của nhiều cháu gái không còn đệm chữ “Thị” nên cán bộ có thể thống kê nhầm thành con trai...
Để đánh giá thực trạng này, đầu năm 2009, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và chuẩn bị triển khai Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2009-2010”, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số trẻ sinh của cả tỉnh trong năm 2008. Kết quả, tỉ số giới tính khi sinh đứa con thứ nhất với tổng số sinh trong năm 2008 đều bằng 109, tỉ số giới tính khi sinh con lần thứ 2 và thứ 3 đều là 111, số sinh con từ 4 lần trở lên thì tỉ số này thấp hơn 100. Như vậy, có sự sai số nhất định giữa hệ thống báo cáo thường quy và khảo sát lại trong năm 2008.
Hiện nay, chúng ta thường nói nước ta, tỉnh ta đang lâm vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đồng nghĩa với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ.
Dù báo cáo thường quy hay kết quả khảo sát lại nêu trên thì tỉ số giới tính khi sinh tại Bình Định hiện nay đã vượt quy luật sinh sản tự nhiên, hiện đang ở mức tương đương của Trung Quốc vào năm 1989, khi nước này rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỉ số giới tính khi sinh năm 1989 của Trung Quốc là 111,9 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.
Kinh nghiệm từ các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan... cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh gây nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế - xã hội. Nó làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai; thay đổi về cơ cấu nghề; thay đổi cấu trúc gia đình. Đồng thời, nó cũng làm gia tăng tình trạng lạm dụng tình dục, tệ nạn buôn bán phụ nữ dưới hình thức kết hôn. Tình trạng thiếu hụt phụ nữ cũng sẽ cản trở việc nâng cao địa vị của họ trong xã hội vì nhiều lý do: tăng áp lực xin cưới dẫn đến việc xây dựng gia đình sớm và do đó, mất đi cơ hội thăng tiến trong học vấn, việc làm...
Hiện nay, cả nước cũng như Bình Định đang tiến hành hàng loạt các biện pháp, nhằm hạn chế tình trạng gia tăng tỉ số giới tính khi sinh. Những giải pháp này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và sự cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân. Nếu thiếu sự phối hợp đó thì tình trạng mất cân bằng giới tính khó có thể được cải thiện.
|