Người miền núi làm dân số
14:33', 25/12/ 2009 (GMT+7)

Từ một địa bàn có tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 3,41% và con thứ ba trở lên 66,8%, đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và con thứ ba trở lên xuống còn 0,75% và 12%. Đặc biệt, Vĩnh Thạnh là địa phương duy nhất trong tỉnh nhiều năm liền không có cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên.

 

Những năm qua, Vĩnh Thạnh đã đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ nhằm đạt mức sinh thay thế vào năm 2010. Ảnh: T.X.Chi

 

* Đảng viên đi trước...

Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, đúc kết: “Nơi nào cấp ủy Đảng nghiêm túc trong chỉ đạo và xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm, thì chắc chắn nơi đó, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được thực hiện tốt”.

Thật ra, từ trước năm 2006, Vĩnh Thạnh cũng có một số cán bộ chủ chốt của huyện vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, sinh nhiều con chỉ cốt để kiếm… con trai. Nếu trước kia, việc xử lý còn mang tính vị nể, thì giờ, lãnh đạo huyện đã kiên quyết phải làm thật nghiêm. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo “cốt cán” của huyện, cũng bị đưa ra bình xét kỷ luật, cảnh cáo. Năm 2003-2004, xã Vĩnh Thịnh có 2 đảng viên sinh con thứ ba trở lên bị kỷ luật với mức cảnh cáo. Từ đó đến nay, xã Vĩnh Thịnh tuyệt nhiên không còn cán bộ, đảng viên nào sinh con thứ ba.

Từ năm 2006 đến nay, công tác DS-KHHGĐ được tiếp tục đẩy mạnh với các giải pháp cụ thể, nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2010. Chính sách dân số cũng như sự thay đổi tổ chức của ngành Dân số có lúc khiến công tác DS-KHHGĐ ở nhiều nơi diễn biến phức tạp. Nhưng ở Vĩnh Thạnh, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, nên không có trường hợp cán bộ, đảng viên nào vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

“Phần lớn dân cư Vĩnh Thạnh là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, đời sống chủ yếu là dựa vào rừng, rẫy đòi hỏi sức lao động nhiều, nên quan niệm sinh nhiều con đã ăn sâu vào tiềm thức. Công tác DS-KHHGĐ bước đầu làm khó khăn lắm. Vì thế, chỉ có giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên để làm gương thì bà con mới nghe theo” - ông Cường nhấn mạnh.

* Ưu tiên số một: tuyên truyền, vận động

Có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, chính quyền từng cấp; sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng chương trình DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở được tổ chức thường xuyên. Các hội, đoàn thể có nhiều hoạt động linh hoạt, như: đưa chính sách DS-KHHGĐ tuyên truyền vào ngày sinh hoạt của hội, tổ chức; sinh hoạt CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên…

Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho biết: “Tuyên truyền là giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác DS-KHHGĐ của xã thời gian qua. Đối tượng được tuyên truyền thực hiện trong cả hai giới nam, nữ trong độ tuổi từ 15-49, nhất là nam giới bởi họ là chủ gia đình”.

Công tác DS-KHHGĐ ở từng vùng miền có phong tục, tập quán riêng, phải có cách tuyên truyền, vận động riêng mới hiệu quả. Tổ, hội phụ nữ ở các xã là thành phần chủ đạo lôi cuốn, tuyên truyền cho chị em, thông qua sinh hoạt CLB không sinh con thứ 3, các hội thi. Với đối tượng là nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, các xã chọn già làng, trưởng bản kết hợp với Đoàn Thanh niên cùng vận động, thuyết phục. Hàng năm, mỗi xã tổ chức 2-3 đợt/thôn sinh hoạt nhóm nhỏ; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn, bản để đưa các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ đến với bà con. Đặc biệt, các xã cũng vận dụng các chính sách DS-KHHGĐ đưa vào hương ước, quy ước. Ngoài ra, nhiều giải pháp đồng bộ khác để thực hiện công tác DS-KHHGĐ cũng đã được triển khai như: Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, các cộng tác viên dân số ở 72 thôn, bản; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở để đưa công tác DS - KHHGĐ dần đi vào hoạt động nề nếp, ổn định...

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ ở một điểm sáng như Vĩnh Thạnh cũng còn nhiều trăn trở. Ông Cường cho biết: “Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đầu tư cho huyện rất hạn chế, trong lúc nguồn thu của huyện không đủ chi, nên rất khó khăn. Phụ cấp cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở thấp, nên không đủ sức kích thích họ tham gia nhiệt tình, dẫn đến nhận thức về chính sách DS-KHHGĐ của nhân dân còn hạn chế”. 

  • T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những hệ lụy thấy trước  (18/12/2009)
Còn nhiều thách thức  (11/12/2009)
Cần sớm được ổn định!  (04/12/2009)
Sẽ có giải pháp kiểm soát dân số vùng biển đảo  (27/11/2009)
Mang hy vọng cho trẻ bệnh tim nghèo  (06/11/2009)
Cần được đổi mới  (30/10/2009)
Chung sức cứu giúp trẻ em khuyết tật  (16/10/2009)
Những mục tiêu “số 1”  (09/10/2009)
Lo Trung thu cho trẻ em nghèo  (02/10/2009)
Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp  (25/09/2009)
Bình Định đang mất cân bằng giới tính  (18/09/2009)
Công tác DS - KHHGĐ có nhiều chuyển biến  (11/09/2009)
Góp sức cho trẻ em nghèo đến trường  (21/08/2009)
Can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình  (21/08/2009)
Mở thêm cánh cửa vào đời cho trẻ khuyết tật  (14/08/2009)