Năm 2009, Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE) sẽ được triển khai tại 159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; trong đó, ưu tiên 46 xã trọng điểm; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em SDD từ 21,49% năm 2008 xuống dưới 20,7% năm 2009.
|
Chương trình PCSDDTE năm 2009 đã chú trọng vào các nội dung: củng cố hoàn thiện mạng lưới chỉ đạo và triển khai trên toàn tỉnh (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Hoàng Vân
|
Kiên trì với mục tiêu tiếp tục cải thiện dinh dưỡng theo hướng dự phòng; nâng cao dinh dưỡng cho phụ nữ trong khi có thai và sau khi sinh để đảm bảo trẻ sinh ra được khỏe mạnh, không bị SDD; khống chế tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em; tập trung ưu tiên và chăm sóc tốt đối với trẻ em trong hai năm đầu, Chương trình PCSDDTE năm 2009 đã chú trọng vào các nội dung: củng cố hoàn thiện mạng lưới chỉ đạo và triển khai trên toàn tỉnh, nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, áp dụng biểu đồ tăng trưởng mới của WHO để theo dõi cân nặng và chiều cao, điều tra toàn diện về dinh dưỡng để xây dựng chiến lược can thiệp sau năm 2010...
Từ đó, Chương trình đề ra hàng loạt các giải pháp để thực hiện các nội dung trên như: tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động của chương trình tại 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó ưu tiên cho 46 xã trọng điểm; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp cho lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và người dân có nhận thức đúng đắn vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Thực hiện các chủ đề truyền thông hàng tháng; chú ý các hoạt động truyền thông dinh dưỡng tại cộng đồng bằng nhiều hình thức với các nội dung thiết thực; tập trung vào các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng dinh dưỡng trẻ em như: chế độ dinh dưỡng của phụ nữ có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, chăm sóc đặc biệt trẻ khi bị bệnh nhất là phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và tiêu chảy. Cung cấp viên sắt-axít Folic và viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai; đảm bảo duy trì trên 97% trẻ em dưới hai tuổi được theo dõi cân nặng hàng tháng, trong đó 100% trẻ dưới hai tuổi bị SDD được cân, tư vấn dinh dưỡng và theo dõi biểu đồ tăng trưởng 1 tháng/lần; trẻ em dưới năm tuổi được cân, đo chiều cao định kỳ 1 năm/lần.
Tại các cụm gia đình, làng, thôn, khu phố tiến hành hướng dẫn trình diễn chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ em và bà mẹ có thai. Khuyến khích các bà mẹ tự mang thực phẩm sẵn có tại nhà tới điểm trình diễn và tự thực hành dưới sự hướng dẫn của cộng tác viên dinh dưỡng. Đảm bảo mỗi bà mẹ nuôi con dưới hai tuổi được hướng dẫn thực hành một lần trong năm và mỗi phụ nữ mang thai được hướng dẫn một lần trong thai kỳ. Thông qua các hoạt động nhóm bà mẹ có con dưới hai tuổi, phụ nữ có thai để hướng dẫn các nội dung về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ; tổ chức tư vấn, tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, năm nay, Chương trình còn chú trọng đến công tác củng cố tổ chức kiện toàn mạng lưới với hai bác sĩ tuyến tỉnh; hai cán bộ chuyên trách tuyến huyện, thành phố; 159 cán bộ chuyên trách xã; 1.547 y tế thôn và 121 cộng tác viên. Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác này, nhất là cán bộ cơ sở, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; trang bị các kiến thức dinh dưỡng, khám sức khỏe, tư vấn về SKSS cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị lập gia đình.
Ngoài ra, Chương trình còn phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội VACVINA, Chi cục DS-KHHGĐ để tiếp tục triển khai các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ cho cán bộ hội viên, đoàn viên; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ; xây dựng “ô dinh dưỡng” tại các hộ gia đình; xây dựng các mô hình sữa đậu nành, chăm sóc thai sản tại cơ sở.
Một số chỉ tiêu của chương trình PCSDDTE năm 2009:
Giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 20,7%; hạ tỷ lệ trẻ em cân nặng sơ sinh dưới 2.500g xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống còn 30%; 99% trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống Vitamin A; 95% bà mẹ sau sinh trong tháng được uống Vitamin A. | |