Thực hiện Đề án Trợ giúp người tàn tật tỉnh Bình Định giai đoạn 2007-2010, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều hoạt động giúp cho người khuyết tật nói chung, nhất là trẻ em, có điều kiện vươn lên hòa nhập cuộc sống.
|
Khám phân loại trẻ em khuyết tật. Ảnh: L.A
|
Theo thống kê của ngành LĐ-TB-XH hiện toàn tỉnh có 61.600 người tàn tật, chiếm tỷ lệ 3,9% dân số; trẻ em khuyết tật có 6.232 em, trong đó có hơn 580 em mù lòa, 565 em câm điếc, 1.536 em bị khuyết tật về hàm mặt, hơn 1.500 em bị khuyết tật về chức năng vận động, hơn 500 em bị tâm thần và có hơn 1.000 em bị các khuyết tật khác. Các em bị khuyết tật do nhiều nguyên nhân, trong đó 80% là do bẩm sinh, 4% do nhiễm chất độc da cam Dioxin. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ người lớn và từ chuyện nghịch ngợm của các em (tai nạn thương tích khoảng 3%).
Hầu hết trẻ khuyết tật đều sống với cha mẹ; nhiều em sống với ông bà, anh chị em, họ hàng hoặc cha mẹ nuôi. Nhìn chung, đời sống của trẻ khuyết tật còn rất nhiều khó khăn, đa số các em không có điều kiện đến trường học tập; chỉ có 40% số em bị khuyết tật được học hết bậc tiểu học, 12% các em được học lên THCS và THPT. Do tỉnh ta chưa có trường chuyên biệt, nên chưa thu hút nhiều trẻ em bị khuyết tật đến trường (các lớp chuyên biệt của Trường Dạy nghề Bình Định và Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm mới chỉ có một số ít em theo học).
Trong các năm qua, các cơ quan chức năng ở tỉnh ta đã phối hợp với các tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ và chăm sóc các em. Có 1.491 em khuyết tật được đi học, trong đó, có 125 em theo học các lớp văn hóa chuyên biệt và có hơn 1.000 em học các trường phổ thông trong tỉnh. Các em đi học được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường. Có 539 trẻ mồ côi, khuyết tật được trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên tại cộng đồng với mức từ 120 đến 360 ngàn đồng/em/tháng; có 220 em được học nghề và tạo việc làm; hàng trăm em khác được nhận học bổng “vượt khó học giỏi”. Trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được cấp thẻ KCB miễn phí.
Một số chỉ tiêu chăm sóc trẻ em khuyết tật năm 2009: Khám phân loại bệnh tật cho 345 em, 60 em được phẫu thuật chỉnh hình, 32 em được làm dụng cụ giày nẹp; 70 em được phẫu thuật tim bẩm sinh, 132 em được phẫu thuật trả lại nụ cười, sẹo bỏng co rút, thừa ngón, dính ngón; 340 em được phục hồi chức năng và 2.000 em khác được thăm hỏi, tặng quà. |
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thuộc Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với Hội SAP/VN (một tổ chức từ thiện xã hội của Mỹ có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức khám phân loại bệnh tật cho 2.415 em; phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho 763 em, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật 160 USD. Quỹ đã cấp 951 xe lăn, xe lắc cho các em (mỗi chiếc trị giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng); phối hợp với các đoàn phẫu thuật tình thương TP Hồ Chí Minh, Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, đoàn phẫu thuật Interplast (Mỹ) tổ chức phẫu thuật miễn phí “trả lại nụ cười” cho 1.469 em; phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ phẫu thuật tim bẩm sinh cho 136 em, (chi phí cho mỗi em từ 25 đến 30 triệu đồng); tổ chức luyện tập phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho 140 em. Bên cạnh sự quan tâm chăm sóc của các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội- từ thiện; nhiều cá nhân trong cộng đồng cũng đã có nhiều đóng góp giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Bản thân các em cũng có nhiều cố gắng vượt qua tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống và học tập, nhiều em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh một số lượng lớn các em bị khuyết tật được quan tâm chăm sóc trong các năm qua, vẫn còn nhiều em chưa có điều kiện để hòa nhập với cuộc sống. Một bộ phận các em khuyết tật, mồ côi có nguyện vọng được nhận vào nuôi dưỡng tập trung tại các trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh.
Nguyện vọng chính đáng của các em đang được các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội- từ thiện, các nhà hảo tâm xem xét giúp đỡ, chia sẻ...
|