NGĂN CHẶN TRẺ EM LANG THANG:
Cộng đồng cùng chung sức
9:26', 13/3/ 2009 (GMT+7)

Từ trước Tết đến nay, trên địa bàn TP Quy Nhơn, xuất hiện nhiều nhóm người lang thang xin ăn, trong đó, có nhiều trẻ em. Sở LĐ-TB-XH đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang (TELT)” nhằm tiến đến giải quyết dứt điểm tình trạng này.

 

Lớp học của trẻ em lang thang (ảnh minh họa). Ảnh: T.M

 

TELT kiếm sống trên đường phố là một hiện tượng xã hội, xuất hiện và phát triển gắn với những biến đổi của nền kinh tế thị trường. Theo điều tra của Sở LĐ-TB-XH, hiện toàn tỉnh có trên 200 trẻ em bỏ nhà lang thang kiếm sống ở TP Hồ Chí Minh. Tại Quy Nhơn và các thị trấn trong tỉnh cũng có hàng trăm em lang thang, lao động kiếm sống. TELT chủ yếu làm các công việc: bán mỳ gõ, vé số, bán báo, nhặt phế liệu, ăn xin, đi ở và đánh giày. Riêng tại Quy Nhơn, xuất hiện nhiều nhóm TELT xin ăn đến từ huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên); một số nhóm khác đến từ các tỉnh phía Bắc sống bằng nghề đánh giày, bán sách báo, bán hàng rong... Tuy nhiên, đáng lo nhất là số đông các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh ta đang tiềm ẩn nguy cơ bỏ học, bỏ nhà vào các thành phố lang thang, lao động kiếm sống.

Năm 2008, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức tốt các đợt tuyên truyền, vận động, tư vấn cho TELT, giúp các em trở về với gia đình và cộng đồng. Qua đó, có 20 TELT ở Quy Nhơn được hồi gia; trong đó, có 13 em ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), 3 em ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, 4 em ở các huyện trong tỉnh và Quy Nhơn. Cũng trong năm 2008, có hàng chục TELT ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được hồi gia. Trên 50% các em hồi gia đã được hỗ trợ kinh phí ổn định cuộc sống và học tập; gia đình các em được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Năm 2009, Sở LĐ-TB-XH dành hơn 400 triệu đồng để thực hiện ba đề án của Chương trình “Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm”, trong đó có đề án “Ngăn chặn và giải quyết tình trạng TELT kiếm sống”. Nguồn kinh phí nói trên sẽ hỗ trợ cho công tác truyền thông, tư vấn ở cơ sở; tổ chức diễn đàn quyền trẻ em; đưa TELT hồi gia; khám chữa bệnh và giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho TELT học văn hóa, học nghề để ổn định cuộc sống.

Để ngăn chặn và giải quyết thực trạng TELT một cách bền vững, đưa các em trở về với gia đình và cộng đồng, các cơ quan chức năng cần phối hợp thực hiện quyết liệt hơn, tích cực hơn. Trước hết, cần tổ chức khảo sát TELT và trẻ em có nguy cơ lang thang; đánh giá từng hoàn cảnh và nguyên nhân lang thang của các em; đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ; phát hiện và phân tích những vấn đề trẻ em nảy sinh tại cộng đồng, kể cả những diễn biến của gia đình các em.

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2009: Vận động đưa 20 TELT hồi gia; tổ chức dạy nghề cho 20 em; hỗ trợ kinh phí giải quyết việc làm cho 5 em; đầu tư kinh phí cho 18 xã trọng điểm tổ chức diễn đàn quyền trẻ em; có 20 liên đội Thiếu niên Tiền phong tổ chức các hoạt động tìm hiểu Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước Liên Hiệp Quốc quyền trẻ em; đầu tư cho 20 xã có TELT, trẻ em có nguy cơ lang thang tổ chức truyền thông nhóm và tư vấn cho trẻ em và gia đình các em.

Cần đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền và tư vấn trực tiếp cho các em và gia đình các em, thấy được tác hại nguy hiểm của TELT như: thất học, bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động, nhất là bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Có thể thấy, sự chuyển biến về nhận thức và sự tham gia của gia đình và cộng đồng là yếu tố quyết định nhất trong công tác ngăn chặn và giải quyết tình trạng TELT.

Đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học tập văn hóa, cấp thẻ BHYT, học nghề; tạo nghề phù hợp với từng đối tượng- những nghề mà sau khi học xong các em có thể kiếm việc làm ngay tại địa phương mình.

Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương có trách nhiệm giải quyết các phúc lợi xã hội kịp thời cho các đối tượng khó khăn như: hỗ trợ xây dựng nhà tình thương; vay vốn sản suất, ổn định cuộc sống. Quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn, gặp hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống; tìm hiểu và sớm hòa giải những xung đột giữa cha mẹ với con cái. Bằng mọi cách phối hợp giữ gìn cuộc sống bình yên của mỗi gia đình, vì gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, bao bọc và giúp các em trưởng thành. Ngoài ra cần huy động sự tham gia của cộng đồng và gia đình có TELT, trẻ em có nguy cơ lang thang vào việc lựa chọn, tìm hướng khắc phục khó khăn trong học văn hóa, học nghề, kiếm việc làm; không nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

  • La Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (06/03/2009)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (27/02/2009)
Nỗ lực hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống còn 20,7%  (20/02/2009)
Samaritan’s Purse hỗ trợ trẻ em nghèo  (13/02/2009)
Chăm lo Tết cho trẻ em nghèo  (23/01/2009)
200 trẻ khuyết tật được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng  (16/01/2009)
Về việc cấp thẻ khám, chữa bệnh cho trẻ em  (09/01/2009)
Một số giải pháp để kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh  (02/01/2009)
Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt  (12/12/2008)
Nỗ lực phối hợp phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo  (05/12/2008)
Bạo lực gia đình: Chuyện không riêng của mỗi nhà  (28/11/2008)
Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực  (21/11/2008)
Góp phần nâng cao chất lượng sống của bà mẹ và trẻ em  (20/11/2008)
Loay hoay với chế tài kiểm soát !  (14/11/2008)
Vẫn chưa về đích!  (31/10/2008)