|
Chị Tiên trong lần điều trị tại Trung tâm Y tế Tuy Phước do bị chồng bạo hành. |
Các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày càng tăng, nhưng số vụ được can thiệp, giải quyết kịp thời còn rất ít. Tình trạng BLGĐ sau gần một năm Luật Phòng chống BLGĐ ra đời vẫn còn nhức nhối.
* “Vấn nạn” từ sự... thờ ơ
Chuyện chị Tiên (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) bị chồng đánh phải nhập viện gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói ở đây là sự can thiệp chưa tích cực và hiệu quả của các cấp chính quyền, đoàn thể để giải quyết sự việc. Gần nửa tháng sau khi gửi đơn kêu cứu, chị Tiên vẫn không thấy một động thái nào từ chính quyền địa phương.
Khi đem sự việc này trao đổi với bà Lê Thị Kim Phượng, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Phước Hiệp, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Sự việc chị Tiên bị chồng đánh nhiều lần, chính quyền địa phương đã biết. Chi hội phụ nữ cùng Ban nhân dân thôn Xuân Mỹ cũng đã tổ chức hòa giải và yêu cầu Trương Văn Sơn (chồng chị Tiên) làm bản cam kết không tái phạm việc dùng vũ lực đánh vợ, nhưng Hội phụ nữ xã chỉ mới vừa nhận được đơn phản ánh của chị Tiên bị chồng đánh vào ngày 7.4 vừa qua”.
Nhưng từ sau khi nhận được đơn kêu cứu của chị Tiên đến nay, sự việc vẫn chẳng có gì thay đổi vì theo bà Lê Thị Kim Phượng, sự việc này do bà Lâm Thị Hậu - Chủ tịch Hội phụ nữ xã - tiếp nhận và giải quyết. Nhưng hiện nay, bà Hậu lại đang đi… công tác ở TP. Hồ Chí Minh nên không biết sự việc đã được giải quyết đến đâu (?!)
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Nhung, cán bộ tư pháp, thành viên tổ hòa giải xã Phước Hiệp, lại cho biết: “Trước đó, tổ hòa giải của xã đã gởi giấy mời hai vợ chồng anh Sơn và chị Tiên đến xã để hòa giải, nhưng chưa kịp thì chị Tiên lại bị chồng đánh phải nhập viện”. Còn nói về chuyện giải quyết “hậu” BLGĐ của chị Tiên từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Thùy Nhung không có câu trả lời.
Điều này cho thấy, sau gần một năm triển khai và có hiệu lực thi hành, tình trạng BLGĐ có xu hướng tăng và người bị hại chủ yếu vẫn là phụ nữ. Số vụ BLGĐ đến nhờ Hội phụ nữ, chính quyền can thiệp không nhiều, chỉ đến khi họ không còn sức chịu đựng nữa. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã nhờ can thiệp nhưng chậm được giải quyết do sự thờ ơ của các cấp chính quyền, đoàn thể như trường hợp chị Tiên nói trên đã làm cho tình trạng BLGĐ vẫn thường diễn ra trong chính mái ấm gia đình.
* Biện pháp phải đồng bộ
Từ khi có Luật Phòng chống BLGĐ, nhiều phụ nữ bị bạo hành đã tự tin hơn khi được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, việc đưa các quy định của Luật vào cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Đàng, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Đến thời điểm này, khi nạn nhân tố cáo các hành vi BLGĐ thì chưa thấy cơ quan, đoàn thể nào ở cơ sở làm mọi cách để bảo vệ họ. Có nơi, nạn nhân đến tố cáo tại công an xã, theo nguyên tắc phải báo cáo, tường trình vụ việc thì mới có hướng giải quyết. Do đó, khi công an đến được với nạn nhân thì vụ việc đã xong, chỉ có lập biên bản, nhưng vẫn không có ý kiến, hướng dẫn nào giúp đỡ nạn nhân tạm lánh”.
Mặt khác, khi Hội LHPN nhận được thông tin vụ việc bạo hành gia đình có ý kiến hoặc gửi văn bản cho các ngành liên quan đề nghị bênh vực quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân thì một số nơi phối hợp giải quyết còn chậm, khiến nạn nhân hoang mang lo sợ.
Điều đáng nói, một số vụ BLGĐ đã cấu thành tội phạm thì cách giải quyết lại phải dựa vào các luật khác như Bộ Luật tố tụng hình sự. Nhưng, theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171, việc khởi tố một số vụ án liên quan đến BLGĐ phải theo yêu cầu của người bị hại và nhiều trường hợp không thể giải quyết vì nạn nhân không yêu cầu khởi tố hoặc đã yêu cầu nhưng lại rút đơn bãi nại. Vì thế, một số vụ BLGĐ đã bị “bỏ lọt” ngoài vòng pháp lý.
Bà Đàng cũng cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN sẽ chủ động tổ chức tập huấn cho các cán bộ hội các cấp; triển khai tuyên truyền luật dưới nhiều hình thức (tuyên truyền điểm, rồi sau đó nhân rộng mô hình, soạn tài liệu hỏi-đáp để lồng ghép trong sinh hoạt, tổ nhóm, giao lưu, thi tìm hiểu pháp luật); tiếp tục nhân rộng mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo hành gia đình tại các xã, cũng như hỗ trợ thành lập câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, thông qua đó, vận động chị em mạnh dạn tố cáo các vụ bạo hành gia đình tại cộng đồng, hay những hành vi ngược đãi để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, để cho Luật phòng chống BLGĐ mang tính khả thi thì các cấp, các ngành cùng “xắn tay áo” triển khai, đồng thời cùng có trách nhiệm giải quyết kịp thời các vụ bạo hành gia đình, tránh không để chậm trễ, xảy ra án mạng như đã từng xảy ra.
|