Sở LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam và Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn tổ chức khám phân loại cho 632 người khuyết tật ở 10 xã, thị trấn của huyện Phù Cát. Qua khám, các bác sĩ đã chọn 137 người đủ điều kiện về sức khỏe để phẫu thuật chỉnh hình.
Dự án “Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin” nhằm vào mục tiêu cải thiện sức khỏe và phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em và nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ về điều kiện phát triển kinh tế và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật và gia đình; thực hiện mô hình chăm sóc trẻ khuyết tật tại cộng đồng theo nhóm; nâng cao trình độ chuyên môn về PHCN cho người khuyết tật và khả năng hỗ trợ người khuyết tật của người thân trong gia đình có trẻ khuyết tật và cộng tác viên, cán bộ y tế cơ sở.
|
Khám phân loại khuyết tật cho trẻ em khuyết tật ở Phù Cát. Ảnh: L.A |
Tại huyện Phù Cát, Ban điều phối Dự án đã tổ chức lớp tập huấn về điều tra, khảo sát cho 40 cộng tác viên ở 10 xã, thị trấn hưởng lợi của Dự án gồm: Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Chánh, Cát Tiến và thị trấn Ngô Mây. Sau đó, thông qua 2.670 phiếu điều tra, Ban điều phối Dự án đã xem xét lựa chọn 882 người khuyết tật các cơ quan vận động để khám phân loại và hỗ trợ các dịch vụ y tế và xã hội tại cộng đồng.
Trong 2 ngày 24 và 25.4, Đoàn các bác sĩ Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn đã về trạm y tế các xã tổ chức khám cho 632 người khuyết tật, đạt tỉ lệ 71%; trong đó có 151 trẻ em, tỉ lệ 23%. Qua khám, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật chỉnh hình cho 137 người; làm dụng cụ chân, tay giả cho 156 người; tổ chức PHCN tại Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn cho 1 người; PHCN tại cộng đồng cho 39 người; cấp xe lăn, xe lắc cho 5 người khác.
Ngoài công tác khám phân loại, Ban điều phối Dự án còn tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm PHCN xã Cát Tân và mở rộng nâng cấp Trung tâm PHCN xã Cát Hưng. Theo kế hoạch, vào trung tuần tháng 7, hai trung tâm nói trên sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng.
Nhiệm vụ của trung tâm là phục vụ người khuyết tật trong xã và các xã lân cận, cử cán bộ chuyên môn tham gia hoạt động ngoại viện nhằm giúp cán bộ y tế và cộng tác viên PHCN. Trung tâm sẽ thí điểm mô hình dịch vụ chăm sóc bán trú cho 15 trẻ em khuyết tật. Các em sẽ được luyện tập PHCN, cải thiện dinh dương, sức khỏe và vui chơi học tập, sớm hòa nhập cộng đồng. Các em đến tập luyện tại hai trung tâm này sẽ được Dự án hỗ trợ một phần tiền đi lại, ăn trưa, nhằm khuyến khích phụ huynh đưa con em đến luyện tập và chăm sóc.
Bên cạnh việc tổ chức PHCN cho các em tại các trung tâm, Dự án còn thí điểm mô hình sử dụng nhà của phụ huynh có con em bị khuyết tật làm nơi luyện tập cho nhóm từ 3 đến 4 trẻ khuyết tật, với 2 phụ huynh được đào tạo và liên kết chọn 2 cộng tác viên cộng đồng cho mỗi xã để phục vụ cho người khuyết tật tại nhà; hướng dẫn thân nhân của họ chăm sóc, tập vật lý trị liệu tại nhà và hướng dẫn họ tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, việc làm, vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói nghèo...
Dự án cũng đã quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện việc cung cấp dịch vụ PHCN; tăng cường tham gia của người khuyết tật thông qua các nhóm tự lập; xây dựng các nhóm tương trợ, tư vấn đồng đẳng; cải thiện đời sống cho người khuyết tật; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác xã hội, thực hiện các chính sách vì người khuyết tật ở địa phương.
|