ÔNG LA QUANG ÁNH, TRƯỞNG PHÒNG BVCSTE, SỞ LĐ-TB&XH:
Cộng đồng cùng nỗ lực chung tay vì trẻ em nghèo
8:43', 5/6/ 2009 (GMT+7)

Hàng năm, cả nước tổ chức Tháng hành động vì trẻ em (từ 15.5 đến 30.6). Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”. PV Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông La Quang Ánh, Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Sở LĐ-TB&XH, về các hoạt động BVCSTE thời gian qua.

 

Được quan tâm, chăm sóc tốt, trẻ em ngày càng thông minh hơn, khỏe mạnh hơn. - Trong ảnh: Tiết mục múa cồng chiêng của Trường Mầm non Bán công 2.9, Quy Nhơn.

 

* Nếu có thể nói một cách ngắn gọn nhất những kết quả đạt được trong công tác BVCSTE thời gian qua, ông sẽ nói điều gì?

- Công tác BVCSTE thời gian qua thực hiện theo Chương trình hành động vì trẻ em năm 2010, mà trọng tâm là: học tập, chăm lo sức khỏe, vui chơi giải trí và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB). Có thể nói, công tác BVCSTE trong thời gian qua được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình quan tâm nên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hầu hết trẻ được đi học đúng độ tuổi; chất lượng dạy và học ngày một nâng cao; trên 80% các em được vui chơi giải trí và hưởng thụ văn hóa dành cho lứa tuổi. Các em được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe và dinh dưỡng. Cuối năm 2008, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm xuống còn 21,49%; có 99% trẻ em được uống Vitamin A và trên 98% trẻ em được tiêm, uống đầy đủ các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi đã giảm rõ rệt. Từ khi thực hiện chủ trương của Nhà nước về khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi ở các cơ sở y tế công lập, toàn tỉnh đã cấp trên 157 ngàn thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em.

Về chăm sóc trẻ em có HCĐB, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; tổ chức phẫu thuật chỉnh hình miễn phí, cấp dụng cụ chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật vận động; tổ chức các đợt phẫu thuật “trả lại nụ cười” cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật tim bẩm sinh; duy trì luyện tập phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho hàng trăm trẻ em khuyết tật tại 2 trung tâm ở Phù Cát và Hoài Ân… Triển khai rộng khắp Đề án “Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm”, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em; đưa nhiều trẻ em lang thang trở về với gia đình…

* Hiện có một bộ phận trẻ em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam/dioxin… Vậy, ngành LĐ-TB&XH đã có những hoạt động gì để giúp các em vươn lên trong cuộc sống?

- BVCSTE có HCĐB là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của nhà trường và gia đình. Với chức năng của mình, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động mang lại nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc cho các em. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, trong năm qua, toàn tỉnh có trên 19 ngàn đối tượng xã hội được hưởng các khoản trợ cấp, hỗ trợ với số tiền trên 28 tỉ đồng. Trong đó, trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên tại cộng đồng 403 em, gia đình nuôi dưỡng thay thế 175 em và người đơn thân nuôi dưỡng 542 em. Mỗi em đuợc trợ cấp từ 120 đến 240 ngàn đồng, với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Ngành cũng đã vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhận đỡ đầu chăm sóc nuôi dưỡng 16 trẻ em mồ côi, khuyết tật, với mức chi 300 ngàn đồng/em/tháng cho đến khi các em tròn 18 tuổi. Trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tỉnh cũng đã nhận đỡ đầu 169 trẻ em mồ côi, hàng tháng các anh chị đoàn viên- thanh niên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các em.

Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.161 trẻ em mồ côi được nhận trợ cấp thường xuyên hàng tháng; đã phẫu thuật trả lại nụ cười cho 61 trẻ em sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật chỉnh hình cho 39 em, cấp dụng cụ giày nẹp cho 26 em khác; cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế cho hàng chục ngàn em. Ngành cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện Phù Cát triển khai thực hiện Dự án “Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho 10 xã, thị trấn huyện Phù Cát”. Đã khởi công xây dựng 2 trung tâm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ khuyết tật tại xã Cát Tân và Cát Hưng.

* Để đạt được mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em năm 2010, những hoạt động BVCSTE trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

- Trước mắt, ngành tập trung phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 07 của Chủ tịch UBND tỉnh, ra ngày 14.5.2009, về “Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác BVCSTE trên địa bàn toàn tỉnh”. Tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn “xã, phường phù hợp với trẻ em” và kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước cho trẻ em trong dịp Hè.

* Xin cảm ơn ông!

  • Quang Khanh (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những thách thức và cơ hội  (29/05/2009)
Những thách thức trong công tác DS-KHHGĐ  (22/05/2009)
137 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình  (15/05/2009)
Chậm, bị động và… rời rạc  (24/04/2009)
Chung tay vì trẻ em nghèo  (17/04/2009)
Trẻ em khuyết tật được trả lại nụ cười  (10/04/2009)
Cần sự phối hợp đồng bộ hơn  (27/03/2009)
Nhiều quy định mới thuận lợi hơn  (20/03/2009)
Cộng đồng cùng chung sức  (13/03/2009)
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (06/03/2009)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (27/02/2009)
Nỗ lực hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống còn 20,7%  (20/02/2009)
Samaritan’s Purse hỗ trợ trẻ em nghèo  (13/02/2009)
Chăm lo Tết cho trẻ em nghèo  (23/01/2009)
200 trẻ khuyết tật được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng  (16/01/2009)