Tôn vinh những cán bộ dân số giỏi
8:39', 26/6/ 2009 (GMT+7)

116 tấm gương cơ sở tiêu biểu với 52 cán bộ chuyên trách và 64 cộng tác viên dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của 11 huyện, thành phố đã được Sở Y tế tuyên dương sáng qua (25.6). Đây là sự động viên cần thiết nhằm tôn vinh những người đang ngày đêm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

 

Lãnh đạo Sở Y tế tặng bằng khen cho 116 tấm gương làm công tác DS-KHHGĐ tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Thu Hiền

 

* “Cho” để “nhận”

Đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở có thể là một cán bộ phụ nữ, một bác nông dân, một cụ hưu trí… tự nguyện làm công tác này bằng sự nhiệt tình và tâm huyết. Có những người lặn lội “tới từng nhà, rà từng cặp, gặp từng đối tượng”, đặc biệt là những gia đình có 2 - 3 con một bề, để tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Để vận động được vợ chồng các đối tượng này sử dụng các biện pháp tránh thai là cả một câu chuyện dài.

Dù đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, bà Hà Thị Kiều Oanh (ở khu vực 7, phường Trần Phú, Quy Nhơn) - vốn là một cán bộ công an về hưu - đã có thâm niên 10 năm làm công tác DS-KHHGĐ. Làm cộng tác viên DS-KHHGĐ ở một khu vực gồm phần đông người dân làm nghề buôn bán, công nhân lao động, nên việc vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Bà còn nhớ như in: “Một số ít bà con đến thẳng nhà bảo tôi có dư cơm thì ở nhà vui với con cháu, đừng đến làm xáo trộn gia đình người ta. Có người còn nói thẳng: con tôi nó sinh thì nó nuôi, ông bà có cho được miếng cơm manh áo nào không mà lui tới hoài vậy!”. Trắc trở là vậy, nhưng bà Oanh bảo làm công tác DS-KHHGĐ giống như là nghiệp vậy, vẫn không dứt ra được.

Đội ngũ những người trẻ làm công tác DS-KHHGĐ tuy có thế mạnh về sức khỏe, nhưng họ cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, lẫn sự mặc cảm tự ti, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 

Làng Kon Lót là địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Làng có 59 hộ dân với 263 nhân khẩu là người dân tộc Bana, địa hình phức tạp, việc đi lại rất khó khăn. Những năm 1998-2002, nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ rất kém, anh trưởng làng trẻ của Kon Lót cùng với phụ nữ làng đến tận hộ gia đình để tuyên truyền về các biện pháp tránh thai. Anh tâm sự: “Hồi đó, để nói cho bà con “thông” không phải một hay hai lần là được đâu. Vì thế, tôi cứ lên phương án “chai mặt thì được việc”. Lắm lúc, tôi còn bị bà con chửi, rằng con trai gì mà cứ đến vận động chị em áp dụng biện pháp tránh thai. Ban đầu khó quá tôi cũng nản, nhưng nghĩ lại, mình không cố vận động thì bà con trong làng lại đẻ nhiều, lại nghèo mãi, nên quyết tâm phải làm cho bằng được mới thôi”.

* Sự động viên cần thiết

Cũng trong buổi gặp mặt hôm 25.6, các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu công tác DS-KHHGĐ ở từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Ngoài sự nhiệt tình, các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ phải vận dụng cả sự hiểu biết, uy tín và lòng kiên trì của mình mới hoàn thành được nhiệm vụ, trong khi mức thù lao còn rất khiêm tốn. Những tấm gương ấy có thể thấy ở các địa phương không có người sinh con thứ 3 trở lên. Điển hình trong năm 2008, có xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân) và xã An Toàn (huyện An Lão). Rồi hàng loạt những thôn xóm, bản làng, khu vực nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, như khu vực 9 (phường Nguyễn Văn Cừ, Quy Nhơn) 9 năm liền không có người sinh con thứ 3; thôn 3 (xã An Trung, huyện An Lão), thôn 6 (xã An Vinh, huyện An Lão), khu vực 10 (phường Ngô Mây, Quy Nhơn) 7 năm liền không có người sinh con thứ 3… Đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ mà theo cách nói của ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, là những kỳ tích trong công tác DS-KHHGĐ.

Công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ cơ sở và cộng tác viên thôn bản. Giáo sư Mai Kỷ đã từng nói: “Công cụ của công tác dân số chính là bộ máy chuyên trách dân số và cộng tác viên”. Bởi thế, hội nghị tôn vinh cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS-KHHGĐ là sự động viên mang nhiều ý nghĩa tinh thần, góp phần tạo thêm niềm vui và lòng tin để họ bước tiếp những chặng đường còn nhiều khó khăn phía trước.

6 chuyên trách và cộng tác viên DS-KHHGĐ được Bộ Y tế tôn vinh gồm, chuyên trách: Trần Thị Thu Nguyệt (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn), Nguyễn Văn Bé (xã An Quang, huyện An Lão); cộng tác viên: Nguyễn Xuân Anh (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát), Nguyễn Thị Tuyết (thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), Đinh Văn Trọng (làng Kon Lót, xã Canh Liên, huyện Vân Canh), Hà Thị Kiều Oanh (khu vực 7, phường Trần Phú, Quy Nhơn).

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giảm gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng dân số  (12/06/2009)
Cộng đồng cùng nỗ lực chung tay vì trẻ em nghèo  (05/06/2009)
Những thách thức và cơ hội  (29/05/2009)
Những thách thức trong công tác DS-KHHGĐ  (22/05/2009)
137 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình  (15/05/2009)
Chậm, bị động và… rời rạc  (24/04/2009)
Chung tay vì trẻ em nghèo  (17/04/2009)
Trẻ em khuyết tật được trả lại nụ cười  (10/04/2009)
Cần sự phối hợp đồng bộ hơn  (27/03/2009)
Nhiều quy định mới thuận lợi hơn  (20/03/2009)
Cộng đồng cùng chung sức  (13/03/2009)
Quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật  (06/03/2009)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (27/02/2009)
Nỗ lực hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống còn 20,7%  (20/02/2009)
Samaritan’s Purse hỗ trợ trẻ em nghèo  (13/02/2009)