|
Quy mô gia đình có một hoặc hai con được xã hội chấp nhận. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22.3.2005 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)”, từ năm 2006 đến nay, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta có những chuyển biến rõ rệt, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Chính sách DS-KHHGĐ được các cấp, các ngành và các địa phương triển khai đến cơ sở. Đến cuối năm 2008, có 769/1.103 (gần 70%) thôn, làng đã đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước thôn, làng. Một số đề án đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)- KHHGĐ được mở rộng và phát triển với chất lượng dịch vụ ngày càng cao.
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ thường xuyên, hàng năm ngành Y tế tổ chức ít nhất 2 đợt chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến các vùng khó khăn. Có 11/11 huyện, thành phố đã có đội y tế lưu động để cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến các hộ dân; chú trọng việc cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ phù hợp với đối tượng vị thành niên và thanh niên. Nhờ vậy, người dân đã có nhiều sự lựa chọn về các biện pháp KHHGĐ khi có nhu cầu và an tâm khi chấp nhận sử dụng các biện pháp này. Từ đó, giúp giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo thai, hút thai, nhất là nạo thai, hút thai ở người chưa thành niên.
Với các hoạt động nêu trên, nhận thức của toàn xã hội về công tác DS-KHHGĐ đã được nâng lên một bước, quy mô gia đình có một hoặc hai con được xã hội chấp nhận; ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp với lứa tuổi. Sự gia tăng dân số của tỉnh thời gian qua đã được khống chế, mức sinh giảm từ 18,8‰ năm 2004 xuống còn 17,3‰ năm 2008 (bình quân giảm 0,38‰/năm), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 19,6% năm 2004 xuống còn 18,5% năm 2008 (bình quân giảm 0,28%/năm), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,23% năm 2004 xuống còn 1,12% năm 2008.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta thời gian qua vẫn còn một số khó khăn. Đáng chú ý là quy mô dân số lớn, mức sinh chưa ổn định và không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ suất sinh thô giảm chậm, không đạt so với kế hoạch đề ra là giảm mức sinh 0,6‰/năm. Tỉ suất sinh thô năm 2007 của tỉnh tuy thấp so với khu vực duyên hải miền Trung là 0,7‰ nhưng vẫn cao hơn so với toàn quốc là 0,3‰; tỉ suất sinh thô ở vùng nông thôn cao hơn thành thị (mức chênh lệch: năm 2004: 0,9‰, năm 2005: 0,3‰, năm 2006: 0,6‰, năm 2007: 0,5‰ và năm 2008: 1,8‰); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm chậm, riêng năm 2008 tăng 0,9% (tăng từ 17,6% năm 2007 lên 18,5% năm 2008). Từ năm 2005-2008, tỷ số giới tính khi sinh khoảng 110 nam/100 nữ (cao hơn so với mức khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc là 105-107 nam/100 nữ), tiềm ẩn những dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh.
|