Tại hội thảo cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), được tổ chức vào sáng 17.9 tại Quy Nhơn, ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: tỉ số giới tính khi sinh ở Bình Định đang vượt mức bình thường…
|
Những địa phương càng có mức sinh thấp, như các thị trấn và TP Quy Nhơn, thì tỉ số giới tính khi sinh lại càng cao. - Trong ảnh: Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm y tế phường Quang Trung (Quy Nhơn). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Theo Chi cục DS-KHHGĐ, tỉ số giới tính khi sinh ở Bình Định đã tăng liên tục trong những năm gần đây và cao hơn tỉ lệ của cả nước. Năm 2003 tỉ lệ này là 116, năm 2004 là 118, năm 2005 là 119, năm 2006 là 119, năm 2007 là 114 và năm 2008 là 117. Khảo sát của Chi cục đầu năm 2009, tỉ số giới tính khi sinh đứa con thứ nhất là 109, ở con thứ hai và ba là 111. Nhiều địa phương trong tỉnh có tỉ số giới tính từ 110 trở lên. Những địa phương càng có mức sinh thấp, như các thị trấn và TP Quy Nhơn, thì tỉ số giới tính khi sinh lại càng cao.
* Gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực
Kết quả các nghiên cứu cho thấy, một trong những yếu tố chủ yếu của sự MCBGTKS là do sự ưa thích con trai, đặc biệt là quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Một nghiên cứu của TS. Đoàn Minh Lộc và PGS-TS. Nguyễn Thị Thiềng về MCBGTKS (1999-2003) tại một số địa phương, trong đó có Bình Định, cho thấy: 52,34% người được phỏng vấn trả lời thích con trai ở lần sinh gần nhất, chỉ 27,13% thích con gái và 20,53% cho rằng sinh con nào cũng được. Khoa học công nghệ y - sinh học ngày càng phát triển, càng cho phép cung cấp các phương pháp khác nhau để lựa chọn giới tính. Ở một góc độ nào đó, các yếu tố chính sách kinh tế - xã hội cũng có tác động đến tỉ số giới tính khi sinh.
Kinh nghiệm từ các quốc gia MCBGTKS cho thấy, MCBGTKS theo kiểu thừa nam thiếu nữ đã gây nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế - xã hội. Vị thế kinh tế - xã hội của trẻ em gái và phụ nữ trở nên tồi tệ hơn; bình đẳng giới khó được duy trì. Căng thẳng xã hội cũng sẽ tăng do điều kiện kết hôn khó khăn hơn, tác động đến việc duy trì gia đình và làm tăng nguy cơ đe dọa an sinh xã hội. Trong tương lai không xa sẽ thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình.
Có thể dự báo, việc phá thai đối với những thai nhi gái tăng cao tác động đến tỉ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, tình trạng mù chữ của trẻ em gái và lạm dụng trẻ em gái gia tăng. Trong khi đó, cơ cấu dân số trong tương lai cũng bị thay đổi, dẫn đến thay đổi tỉ lệ giới tính ở các nhóm tuổi, kéo theo thay đổi về cơ cấu nghề.
* Đẩy mạnh công tác truyền thông
Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho rằng, phải chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về thực trạng và những hệ lụy của MCBGTKS. Trong đó, huy động các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường các chiến dịch truyền thông nhằm tác động thay đổi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” của các nhóm đối tượng ưu tiên là những người cao tuổi trong gia đình và đối tượng tiềm năng là vị thành niên và thanh niên.
Thêm nữa, cần có biện pháp lâu dài và cân bằng sức ép tâm lý đối với những phụ nữ, những cặp vợ chồng chỉ sinh con gái, như giáo dục, thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng trong việc đề cao giá trị và vị thế người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm những biện pháp khuyến khích cho những gia đình, cặp vợ chồng, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số, không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng nói trên. Những chính sách nâng cao phúc lợi, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt những người sinh con gái sẽ giải tỏa tâm lý cha mẹ khi về già phải sống dựa vào con trai.
Ông Nguyễn Văn Quang cũng cho rằng dù luật pháp nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi thông qua việc lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán sớm, nhưng những quy định này hiện vẫn chưa được áp dụng hiệu quả. Do đó, cần thiết phải tăng cường thanh, kiểm tra và áp dụng các chế tài mạnh với những hành vi vi phạm.
6 địa phương được can thiệp giảm thiểu MCBGTKS:
Theo đề án “Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS”, từ nay đến năm 2010, sẽ có 72 xã ở TP Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn ở tỉnh ta sẽ được thụ hưởng các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu MCBGTKS.
Trong kế hoạch, từ nay đến 2010, ngành Y tế sẽ triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về các văn bản quy định liên quan đến giới và giới tính khi sinh, quy định của Nhà nước nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn; rà soát các quy định, chính sách, góp phần xây dựng các văn bản của địa phương liên quan đến giới và giới tính khi sinh ngày càng hoàn thiện; thanh, kiểm tra các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách báo, văn hóa phẩm thực hiện các quy định về giới và giới tính khi sinh của pháp luật; xây dựng và duy trì hoạt động của các CLB phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... |
|