GIẢM TÌNH TRẠNG SINH CON THỨ 3 TRỞ LÊN TRONG ĐẢNG VIÊN:
Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
10:25', 25/9/ 2009 (GMT+7)

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều và nguy cơ tăng dân số trở lại vẫn còn tiềm ẩn. Trong đó, tình trạng một số cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 trở lên đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

 

Hiện nay, ngoài các nghị quyết, quyết định, văn bản của Trung ương, tỉnh ta cũng đã đưa quy định đảng viên không sinh con thứ 3 thành một tiêu chí để xét công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa… - Trong ảnh: Hội nghị giao ban về công tác dân số của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: T.M

 

Theo thống kê sơ bộ của hệ thống DS-KHHGĐ, từ năm 2005 đến quý I.2009, toàn tỉnh đã có 14.116 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, có 238 đảng viên, chiếm tỉ lệ 1,69%. Trong số này, các cơ quan Đảng đã tiến hành xử lý 221 trường hợp; trong đó, kỷ luật 168 trường hợp, từ khiển trách đến thôi việc.

Nghị quyết số 47, ngày 22.3.2005, của Bộ Chính trị nêu rõ: “Cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, xem xét đề bạt, đề cử cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”. Nghị quyết cũng đồng thời nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

Hướng dẫn số 11, ngày 24.3.2008, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định 94 của Bộ Chính trị về “Xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm” cũng đã nêu rất cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng, từng trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ để xử lý. Tuy nhiên, thực tế việc xử lý cũng mỗi nơi một khác. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng còn nhiều đảng viên sinh con thứ 3.

Một cán bộ trong ngành dân số phân tích: Đảng viên đã được quán triệt và hơn ai hết hiểu rõ những chủ trương chính sách về công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa khiến đảng viên sinh con thứ 3 vẫn là tư tưởng thích… con trai. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định “mập mờ” của Điều 10, Pháp lệnh Dân số năm 2003 cũng là cái cớ để nhiều đảng viên dựa vào đó sinh thêm con thứ 3. Đó là chưa kể tình trạng đảng viên “lách” Quy định 94 của Bộ Chính trị, rằng đảng viên có con thứ 3 thì cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), khi sinh đến con thứ 4 thì mới bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.

Nếu theo thống kê nói trên, số đảng viên vi phạm chính sách dân số chiếm một tỷ lệ nhỏ. Song, tác động xã hội lại rất lớn, ảnh hưởng đến kết quả của cuộc vận động DS-KHHGĐ. Vì thế, phải bằng mọi cách hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không còn đảng viên sinh con thứ 3.

Hiện nay, ngoài các nghị quyết, quyết định, văn bản của Trung ương, tỉnh ta cũng đã đưa quy định đảng viên không sinh con thứ 3 thành một tiêu chí để xét công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa… Song, đây là vấn đề không dễ giải quyết, đòi hỏi các cấp ủy Đảng cần quan tâm và kiên quyết hơn trong xử lý các vi phạm công tác DS-KHHGĐ.

Theo đó, việc giảm mức tỷ suất sinh và không có người sinh con thứ 3 hàng năm phải trở thành mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, đơn vị và từng tổ chức, đoàn thể. Hàng năm, trong việc đánh giá phong trào thi đua, xét tặng các danh hiệu thi đua, nâng lương, bổ nhiệm, đề bạt các chức danh cho tập thể và cá nhân, phải lấy việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ làm căn cứ quan trọng. Phải xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm; đồng thời tuyên dương, khen thưởng kịp thời những đảng viên làm tốt công tác này.

  • Bảo Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đang mất cân bằng giới tính  (18/09/2009)
Công tác DS - KHHGĐ có nhiều chuyển biến  (11/09/2009)
Góp sức cho trẻ em nghèo đến trường  (21/08/2009)
Can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình  (21/08/2009)
Mở thêm cánh cửa vào đời cho trẻ khuyết tật  (14/08/2009)
Điều kiện sống của trẻ em không ngừng cải thiện  (31/07/2009)
Chung tay chăm sóc trẻ em nghèo  (17/07/2009)
Thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em  (03/07/2009)
Tôn vinh những cán bộ dân số giỏi  (26/06/2009)
Giảm gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng dân số  (12/06/2009)
Cộng đồng cùng nỗ lực chung tay vì trẻ em nghèo  (05/06/2009)
Những thách thức và cơ hội  (29/05/2009)
Những thách thức trong công tác DS-KHHGĐ  (22/05/2009)
137 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình  (15/05/2009)
Chậm, bị động và… rời rạc  (24/04/2009)