Các hoạt động truyền thông sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS, SKTD) giờ đây không còn nặng nề tính thuyết giáo, đe dọa, chỉ nói những điều cấm đoán. Đối tượng truyền thông cũng không còn bị động mà dần dần, họ trở thành đối tượng đích được chủ động tham gia vào cả quá trình truyền thông dựa trên nhu cầu của họ…
* Chọn lối nào?
Chiếm 20,9% trong số 1.485.943 dân ở Bình Định, thanh thiếu niên độ tuổi 15-25 là một bộ phận quan trọng trong các chương trình và chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khoẻ. Các số liệu cho đến nay đã chỉ ra nhu cầu lớn về các chương trình giáo dục về SKSS, SKTD cho thanh thiếu niên, nhằm mục đích phòng tránh thai ngoài ý muốn, phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV.
|
“Bạn & Tôi hãy cùng nhau hành động” - một hình thức truyền thông nghệ thuật có cách tiếp cận đối tượng truyền thông mới mẻ. Ảnh: H.Y |
Một thống kê gần đây cho thấy, 33% nam giới 22-25 tuổi chưa kết hôn ở vùng thành thị và 26% số này ở vùng nông thôn nói rằng họ đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong khi đó, việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở thanh thiếu niên chưa kết hôn thấp hơn nhiều so với các cặp vợ chồng đã kết hôn (4% so với 75%). Số ca nạo phá thai năm 2009 tại Bình Định ước tính 1.214 ca, trong đó, độ tuổi thanh thiếu niên chiếm gần 30%. Điều này chứng tỏ việc tiếp cận về biện pháp tránh thai trong thanh thiếu niên còn rất kém.
Rõ ràng nhu cầu về giáo dục SKSS, SKTD đối với thanh thiếu niên là rất bức bách. Tuy nhiên cần phải truyền tải những thông điệp gì và bằng cách nào, liệu có nên khuyến khích tình bạn và tình yêu “trong sáng” không tình dục (kiêng quan hệ tình dục), hay chỉ nhấn mạnh vào yếu tố “an toàn” là điều băn khoăn trong giáo dục SKSS, SKTD. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng, giáo dục SKSS, SKTD sẽ khiến thanh thiếu niên tiếp xúc với những thông tin không phù hợp, từ đó, khiến họ nảy sinh ham muốn và hành vi tình dục. Nhiều người thường dùng câu thành ngữ “vẽ đường cho hươu chạy” để chỉ việc giáo dục tình dục cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, quan điểm cởi mở hơn cho rằng, đằng nào “hươu (thanh thiếu niên) cũng chạy”, do vậy, cần phải giáo dục SKSS, SKTD để “hươu chạy đúng đường”.
* Mới hơn và thiết thực hơn
Đưa kiến thức SKSS, SKTD vào trường học cho học sinh THCS là giải pháp mạnh bạo của nhà quản lý giáo dục và các cơ quan chức năng. Những năm gần đây, hoạt động này được chú trọng và ngày càng cải biến để phù hợp hơn với đặc điểm tâm lý của các em. Các chương trình gần đây không còn tổ chức theo kiểu “rót” kiến thức từ trên xuống theo chủ ý của những nhà truyền thông, mà dựa vào điều kiện thực tế, kinh nghiệm, các khó khăn, thuận lợi... của các em. Những câu chuyện tế nhị về tình yêu, giới tính, tình dục thường ngày chỉ “rỉ tai nhau”, nay được đưa ra bàn luận.
Điểm bứt phá trong hoạt động này là các em tự nêu lên vấn đề của mình và cùng tham gia vào phần đưa ra các cách giải quyết vấn đề. Tiêu biểu có thể kể đến các hoạt động truyền thông về vấn đề này trong thời gian qua như: cuộc thi tìm hiểu kiến thức liên quan đến SKSS, SKTD khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mang tên “Hành trang vào đời” do Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức vào tháng 11.2009. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên cọ xát kiến thức và kỹ năng về SKSS, SKTD, mà từ cách xưng danh đến những màn hóa trang cũng là cách họ nói lên quan điểm, chính kiến của mình về tình dục. Không còn là kiểu e lệ, khép nép cho đúng với khái niệm vốn mơ hồ “tình yêu lành mạnh, trong sáng” và “không tình dục”, mà người lớn cố gắng trang bị cho họ. Màn sân khấu hóa của đội trường Đại học Quang Trung đã đưa mọi người tiếp cận theo một hướng thực tế: Thanh niên ngày nay đứng trước những thách thức chính bản thân họ và thách thức của nhu cầu cuộc sống, internet và những ấn phẩm.... Đâu là lành mạnh, đâu cần phê phán, đâu là sự tiếp thu có chọn lọc? Làm sao để kiểm soát hành vi và có “tình dục lành mạnh”. Đó là sự tiếp cận thừa nhận các quyền về tình dục để có cuộc sống an toàn, vui vẻ, quyền được tiếp cận tư vấn và thông tin toàn diện, có chất lượng về SKSS, SKTD.
Truyền thông nghệ thuật là hoạt động khá rầm rộ trong thời gian qua của nhóm truyền thông nghệ thuật, thuộc một dự án do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh quản lý. Khác với những phương thức truyền thông cũ, nhóm truyền thông nghệ thuật mang những thông điệp về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS đến với người xem một cách khéo léo qua trang phục, các vở kịch và màn trình diễn thời trang.... Sôi động, tươi trẻ là cách mà các bạn thu hút khán giả đến với hoạt động cộng đồng. Buổi truyền thông cũng là lời kêu gọi các bạn trẻ hãy có những hành vi tình dục an toàn, xóa bỏ định kiến về giới và hãy xét nghiệm HIV tự nguyện.
Đây được coi là những cách tiếp cận khá mới mẻ trong lĩnh vực truyền thông. Và còn rất nhiều hình thức truyền thông mới lạ, hấp dẫn khác đã diễn ra trong thời gian qua... Nhưng cần nhấn mạnh ở đây chính là cái mới của các hoạt động truyền thông: không còn là phương pháp truyền thông nặng nề tính thuyết giáo, đe dọa, chỉ nói những điều cấm đoán và đối tượng truyền thông luôn bị động mà dần dần đối tượng đích được chủ động tham gia vào cả quá trình truyền thông dựa trên nhu cầu của họ, hướng tiếp cận dựa trên “quyền” - quyền chăm sóc SKSS, quyền tình dục.
|