Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) là một trong những xã nghèo khó nhất ở vùng ven biển Bình Định nhưng là nơi có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất tỉnh. Đây cũng là nơi có tỷ lệ lao động được đào tạo rất thấp, số hộ đói nghèo còn nhiều và đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con đều thấp hơn các vùng khác.
|
Ở các xã ven biển, đảo, tình trạng sinh con thứ 3 vẫn luôn là vấn nạn. - Trong ảnh: Sinh hoạt ban trưa ở bãi biển Nhơn Châu. Ảnh: Q.K
|
Cuối năm 2008, chúng tôi đến thăm thôn Lý Chánh, nơi có nhiều cặp vợ chồng sinh hơn 2 con. Ở nhà vợ chồng anh Huỳnh Văn Sanh (32 tuổi) và chị Đoàn Thị Mỹ Lệ và chứng kiến hoàn cảnh thương tâm khi anh đang nằm truyền đạm sau vụ tai nạn nhỏ trên biển; cạnh anh, cháu bé 3 tuổi cũng đang được cán bộ y tế thôn truyền đạm vì đang bị sốt siêu vi. 3 đứa trẻ khác chơi đùa với nhau. Anh Sanh làm nghề biển còn chị Lệ chỉ ở nhà trông con vì không có nghề gì. Con của anh chị, đứa lớn nhất mới học lớp 7.
Anh Sanh cho biết: Do muốn có con trai để phụ giúp làm nghề biển và xa hơn là “nối dõi dòng tộc” nên anh động viên vợ cố sinh cho có con trai. Nhưng sau những lần cố ấy, cả 4 đều là con gái. Từ đó anh Sanh luôn mang tâm trạng buồn bã vì con trai thì không có mà cuộc sống gia đình thì ngày càng khó khăn hơn; 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào mình anh. Thời tiết bình thường thì còn đỡ, mỗi khi biển động không đi biển được, cả nhà không biết lấy gì ăn, đó là chưa kể lúc ốm đau, bệnh tật. Vì vậy, khi đứa con thứ 4 chào đời cũng là lúc gia đình anh khó khăn chồng chất.
Hầu hết bà con ngư dân ở Nhơn Lý đều mong có con trai để được chăm sóc lúc tuổi già và trước mắt thì giúp cha đi biển kiếm cái ăn. Với những người chưa có con trai, việc vận động thực hiện các biện pháp tránh thai rất khó. Chị Huỳnh Thị Nga, cán bộ dân số của xã, cho biết: Đến năm 2009, toàn xã có hơn 1.300 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại như: đặt vòng, bao cao su, dùng thuốc uống, tiêm… nhưng toàn xã vẫn có 9 hộ sinh con thứ 3 trở lên. Cán bộ dân số vẫn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp tránh thai song hiệu quả không cao.
Chị Nga cho biết thêm: “Do nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ còn kém nên việc tuyên truyền rất khó khăn. Cộng tác viên đã đến gặp từng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, phân tích thiệt hơn về việc sinh con ngoài ý muốn, nạo phá thai… song hiệu quả rất thấp”.
Hiện nay, tại xã đảo Nhơn Lý có 9 cộng tác viên dân số, nhưng hoạt động tuyên truyền chỉ gói gọn 3 đợt mỗi năm. Rõ ràng, lực lượng cộng tác viên đông nhưng hiệu quả hoạt động không cao. Và đây cũng là tình trạng tồn tại chung ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Định giải thích: “Việc sinh con thứ 3 ở vùng biển có mấy nguyên nhân sau: một là cần con trai để đi biển (hầu hết đang xảy ra ở các vùng biển đảo Bình Định); hai là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn khá nặng nề, nhất là ở các đối tượng sinh con một bề gái và ba là do ảnh hưởng của Pháp lệnh Dân số năm 2003. Chi cục Dân số đã xây dựng đề cương khảo sát thực trạng sinh con thứ 3, tập huấn cho 20 điều tra viên dân số các huyện, từ đó đề ra kế hoạch tuyên truyền sát, đúng chứ không tuyên truyền chung chung’’.
Cuối năm 2009, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển của tỉnh” với mục tiêu kiểm soát quy mô, chất lượng dân số các vùng biển, đảo của tỉnh từ nay đến năm 2020, góp phần quan trọng vào Chương trình Quốc gia về dân số và Chiến lược biển Việt Nam. Tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể như: tổ chức đội lưu động y tế – KHHGĐ ở tuyến huyện để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch; xây dựng các loại hình cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, cung cấp thuốc và các phương tiện tránh thai khác; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vận động để kiểm soát dân số. Đặc biệt, là kiểm soát tỷ lệ bà mẹ trong độ tuổi, hạn chế việc sinh con thứ 3 trở lên. Trong quá trình triển khai đề án, ngành Y tế đã và đang chọn lựa, xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Vấn đề đặt ra là cần có sự chung tay của các cấp, các ngành địa phương trong việc tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ven biển. Có như vậy mới thực sự góp phần giảm tốc độ tăng dân số như hiện nay.
|