Dù tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) ở tỉnh ta đã giảm xuống còn 20,33%, song SDD ở trẻ em vẫn còn là thách thức lớn với cộng đồng...
|
SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp, còi là thách thức với công tác phòng chống SDD trẻ em hiện nay.
|
* Giảm không bền vững
Những năm qua, công tác phòng chống SDD trẻ em ở tỉnh ta tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉ lệ SDD cân nặng theo tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 39,9% năm 1999 xuống còn 20,33% vào năm 2009. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực phòng chống SDD trẻ em của tỉnh.
Song nếu phân tích kỹ thì thấy, dù tỉ lệ SDD trẻ em đã giảm đáng kể, nhưng vẫn ở mức cao và chưa đồng đều giữa các vùng miền. Năm 2008, tỉ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) là 20,33%, tương đương với 22.227 trẻ. Phần lớn số trẻ SDD sống ở vùng nông thôn, nhất là ở các huyện miền núi: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão. Năm 2009, lần đầu tiên tỉnh ta triển khai kỹ thuật đo chiều cao cho 30% số trẻ dưới 5 tuổi, cho thấy, tỉ lệ trẻ SDD ở thể thấp, còi (cân nặng/chiều cao) vẫn còn cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên có thể được lý giải bằng nhiều yếu tố: Mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên cho công tác phòng chống SDD không ổn định về số lượng và chất lượng; khả năng tiếp cận chương trình của một số chuyên trách, cộng tác viên còn chậm, nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và hiệu quả của chương trình như cân trẻ, trình diễn thực hành dinh dưỡng…
Bên cạnh đó, công tác triển khai chương trình ở một số xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, giao thông cách trở, thu nhập của người dân còn thấp. Hiểu biết của các bà mẹ về dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo phương pháp khoa học tuy đã có tiến bộ, song việc chuyển đổi hành vi vẫn còn hạn chế. Vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời hầu như chưa được các bà mẹ thực hiện, cũng đã ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ.
* Hạ thấp SDD thể thấp, còi
Ở các huyện miền núi, 1/3 số trẻ được chốt cân bị SDD; còn ở các huyện đồng bằng tỉ lệ này là 1/4 - 1/5. Hệ quả của SDD là tầm vóc của trẻ khi trưởng thành bị hạn chế, thậm chí, tăng nguy cơ tử vong ở trẻ từ 2,5 đến 8,4 lần.
Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong năm 2010, mục tiêu của tỉnh là phải giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 20%; SDD thể thấp, còi xuống còn 29%. SDD thể thấp, còi làm giảm khả năng lao động khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Người ta tính cứ tồn tại 1% trẻ SDD thể thấp, còi, có thể gây thiệt hại khoảng 20 triệu USD/năm. Còn hậu quả của SDD bào thai (cân nặng thấp, dưới 2.500 gr) do mẹ không được chăm sóc dinh dưỡng tốt trong thời gian mang thai là rất lớn”.
Như vậy, có thể thấy, SDD trẻ em là một vấn đề của kinh tế. Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường gây tác động xấu đến sản xuất và môi trường nên tình trạng mất an ninh lương thực vẫn tiếp tục đe dọa nhiều vùng núi cao, vùng khó khăn. Những thách thức về điều kiện cơ sở hạ tầng đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng; tập quán lạc hậu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thực hành dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em ở nhiều vùng, nhất là nông thôn và miền núi.
Tính toán chi phí so với hiệu quả đạt được trong các hoạt động của chương trình dinh dưỡng thì thấy, đầu tư cho chương trình dinh dưỡng có hiệu suất rất cao. Vì vậy, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những phương án hữu hiệu phòng chống SDD trẻ em. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động truyền thông vận động nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng, để tiến tới xóa tình trạng SDD trẻ em cũng cần được quan tâm…
|