Năm 2009, Bình Định tổ chức hai đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) đến 104 xã của 11 huyện, thành phố là vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn. Đây là cơ hội để người dân được tiếp cận với các dịch vụ và tạo sự chuyển biến trong chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
|
Truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn).
|
* Thay đổi nhận thức
Hàng năm, tỉnh tổ chức 2 đợt chiến dịch tuyên truyền, vận động và lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Mục đích của chiến dịch là đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, cung cấp thông tin và tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ có chất lượng, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng có mức sinh cao để giảm nhanh mức sinh ở các vùng này.
Kết quả, qua hai đợt chiến dịch thực hiện năm 2009 đã có 31.176 người thực hiệïn các biện pháp tránh thai, góp phần thực hiện 34,7% chỉ tiêu kế hoạch biện pháp tránh thai cả năm 2009. Tất cả các chỉ tiêu gói phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản đều được thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch.
Trong các đợt chiến dịch này, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với ngành, đoàn thể liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tư vấn và lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
Công tác tuyên truyền, vận động trong chiến dịch được tổ chức khá tốt bằng nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề; mít-tinh; cổ động trực quan; sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở và phát tờ rơi, cung cấp, sách báo tạp chí cho hàng ngàn đối tượng.
Có thể khẳng định, việc đầu tư vào chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, mà trọng tâm là tập trung cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng có mức sinh cao, đã đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số.
Chính quyền địa phương cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác dân số. Trong các đợt ra quân làm chiến dịch, mỗi ca làm dịch vụ đều được hỗ trợ một phần kinh phí tùy theo yêu cầu của từng gói dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, nhấn mạnh: “Năm 2009, các đợt chiến dịch được tập trung vào hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỉ lệ chênh lệch giới - là vấn đề quan trọng nhất trong công tác dân số hiện nay. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng về dân số ở địa phương, các đợt chiến dịch đều đạt kết quả cao; đồng thời, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng tới tận từng đối tượng, để bà con hiểu rõ lợi ích của việc sinh ít con…”.
* Khó khăn xã “trắng” dịch vụ SKSS
Hiệu quả tác động của các đợt chiến dịch khá rõ, nhưng việc triển khai các dịch vụ chăm sóc SKSS vẫn còn nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, việc triển khai chiến dịch chưa đúng theo yêu cầu, tiến hành trong thời gian ngắn, việc chốt danh sách đối tượng còn nhiều thiếu sót, công tác tuyên truyền trực quan ít sinh động. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn 6 xã vùng sâu, vùng xa “trắng” dịch vụ chăm sóc SKSS là: An Toàn, An Vinh, An Nghĩa (huyện An Lão); Ân Đức, Ân Sơn (huyện Hoài Ân); Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ).
Bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão, trăn trở: “Từ nhiều năm nay, Trung tâm đã đăng ký xét tuyển, nhưng đến nay vẫn chưa có nữ hộ sinh hay y sĩ sản nhi cho các trạm y tế xã An Toàn, An Vinh, An Nghĩa. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức các đội chăm sóc lưu động để phục vụ bà con, nhưng nhiều lắm cũng chỉ vài ba đợt chiến dịch, nên hiệu quả không cao, nhất là không đáp ứng được nhu cầu thường xuyên của người dân vùng khó khăn”.
Năm 2010, ngành Y tế sẽ tổ chức hai đợt chiến dịch cho 73 xã nằm trong diện vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao. Ông Nguyễn Văn Quang cho rằng: “Chiến dịch cần được tiếp tục tổ chức triển khai trên diện rộng vì đây là một hoạt động thiết thực cho việc chăm sóc SKSS cho người dân vùng sâu, vùng xa, hạn chế thấp nhất tỉ lệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, các trạm y tế ở xa cũng cần được đầu tư nhân lực, bổ sung thêm trang thiết bị, để thu hút người dân đến khám và điều trị tại xã, mà không cần phải lên tuyến trên, để họ có điều kiện quan tâm, chăm sóc đến SKSS khi mà điều kiện kinh tế còn khó khăn, thời gian không có”.
|