Sau khi thẩm định những kết quả trong công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2009, huyện An Nhơn đã được tỉnh công nhận là đơn vị dẫn đầu trong công tác DS-KHHGĐ.
|
Chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Năm 2009, có thể coi là năm huyện An Nhơn gặt hái được nhiều thành công trong công tác DS-KHHGĐ. Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thì đây là kết quả của một quá trình đầu tư, chỉ đạo, tổ chức thực hiện qua nhiều năm; là quá trình lồng ghép các yếu tố DS với việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của huyện; là kết quả tổng hợp của quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp Chương trình hành động do huyện đề ra.
Kết quả trong năm 2009, số trẻ em được sinh ra trong toàn huyện là 2.021 trẻ, giảm 65 trẻ so với năm 2008; tỉ lệ sinh đạt 1,1%, giảm 0,5%o; mức giảm sinh thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao; số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể (có 332 trường hợp, chiếm tỉ lệ 16,4%, giảm 53 trường hợp so năm 2008). Có 15/108 thôn, khu vực không sinh con thứ 3; có 6/15 xã, thị trấn có mức giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 7-8% là: Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh và thị trấn Đập Đá. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 11.229 cặp, đạt 100,4% kế hoạch tỉnh giao, trong đó có 4 biện pháp tránh thai thực hiện đạt và vượt kế hoạch là dùng thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc uống và bao cao su tránh thai. Đặc biệt thuốc cấy tránh thai mới được tỉnh triển khai ở một số huyện, nhưng An Nhơn đã thực hiện được 101 trường hợp, đạt 225% so chỉ tiêu được giao.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ đã được các trạm y tế xã, thị trấn và các cơ sở y tế tư nhân thực hiện có hiệu quả. Việc xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ ngày càng tốt hơn. Các cơ sở được phép hành nghề y tế tư nhân đã tham gia thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho bà con chiếm trên dưới 20% so với chỉ tiêu thực hiện cả năm.
Đi đôi với việc tuyên truyền vận động thực hiện KHHGĐ để giảm nhanh mức sinh, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số cũng được từng bước quan tâm đầu tư triển khai thực hiện. Trong năm, trên địa bàn huyện đã triển khai có hiệu quả 2 đợt chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho 8 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo và huy động kinh phí từ nhiều nguồn, đồng loạt mở chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho số xã, thị trấn còn lại. 2 đợt chiến dịch kết thúc, có một số đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu năm, lãnh đạo các xã đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức bổ sung chiến dịch đợt 3, nhằm góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trong năm. Các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ trên địa bàn huyện đã thực hiện trên 55% chỉ tiêu các biện pháp tránh thai trong năm.
Các hoạt động triển khai đề án mất cân bằng giới tính khi sinh, mô hình khám sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân được triển khai bước đầu đã thu lại nhiều kết quả. Đã có trên 30 buổi nói chuyện chuyên đề, 20 buổi sinh hoạt CLB về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia. Các mô hình CLB gia đình không sinh con thứ ba trở lên ở các xã, thị trấn và từng địa bàn khu dân cư được duy trì sinh hoạt hàng quý, 6 tháng. Do luôn được đổi mới về hình thức lẫn nội dung, nên đã tạo tính hấp dẫn, thu hút ngày càng đông các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Đồng thời, đã mở 6 lớp cung cấp thông tin về SKSS vị thành niên; khám và tư vấn về SKSS cho hơn 400 thanh thiếu niên ở thị trấn Đập Đá - địa bàn triển khai đề án.
Đạt được những kết quả trên, điều dễ thấy là các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong năm qua đã thực sự quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ, từ việc kiện toàn Ban chỉ đạo đến việc bố trí phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phụ trách công việc cụ thể và trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động triển khai, phối hợp, lồng ghép giữa các ban, ngành, đoàn thể. Các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ trong năm cũng được làm mới: phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng được nhu cầu về thông tin cho các đối tượng… Hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến xã, thị trấn đã kịp thời được kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của mình. Đặc biệt là các thành viên trong Ban chỉ đạo đã gắn trách nhiệm công tác DS-KHHGĐ vào chương trình công tác của ngành, giới mình, chủ động trong quá trình phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện.
Những kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ ở An Nhơn thời gian qua là rất đáng ghi nhận, song để đạt tới mục tiêu DS-KHHGĐ cả về quy mô và chất lượng dân số vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ tiêu giảm sinh, tuy đã đạt được nhưng mức giảm sinh còn chậm và chưa vững chắc; tính ổn định và độ đồng đều về mức giảm sinh nhiều nơi chưa bền vững.
Để khắc phục những bất cập, thách thức này, đòi hỏi các cấp các ngành, nhất là ngành dân số của huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa, trong việc thực hiện các giải pháp chính sách DS-KHHGĐ.
|