ÔNG PHAN NHƯ HẢI, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI BẢO TRỢ NTT&TMC TỈNH:
Sẽ nỗ lực để từng bước cải thiện cuộc sống cho người tàn tật và trẻ mồ côi
10:49', 19/3/ 2010 (GMT+7)

Ngày 24.3 tới đây, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT&TMC) tỉnh sẽ tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiêm Phó Chủ tịch Hội, đã trao đổi một số giải pháp nhằm từng bước cải thiện cuộc sống cho NTT&TMC.

 

Người tàn tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: L.A

 

Ông Phan Như Hải cho biết: Bình Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh nên số người bị tàn tật do đạn bom và chất dộc da cam/dioxin là khá lớn. Bên cạnh đó, hàng năm, còn có hàng ngàn trường hợp bị tai nạn thương tích, nhất là đối với trẻ em. Hiện toàn tỉnh có trên 32.000 NTT (chưa tính số thương, bệnh binh và các đối tượng tàn tật đang được nuôi dưỡng tập trung ở các trung tâm bảo trợ xã hội). Trong số này, có 3.689 trẻ em tàn tật dưới 16 tuổi và trên 10.000 trẻ em mồ côi. Đời sống của những đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Họ chủ yếu dựa vào người thân trong gia đình và sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng. Chỉ có chừng 25% NTT có nỗ lực tự vươn lên trong học tập, lao động sản xuất để tự lo cho bản thân.

- Thưa ông, trước những khó khăn của NTT&TMC như vậy, nhiệm kỳ qua, Hội Bảo trợ NTT&TMC đã làm được gì để giúp đỡ họ?

+ Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NTT&TMC, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác chăm sóc NTT&TMC đối với các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để cộng đồng chia sẻ khó khăn với họ. Hội cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, động viên và trao tặng hơn 3.500 suất quà cho NTT&TMC (trị giá trên 690 triệu đồng); trao 900 xe lăn, xe lắc (trị giá 1,2-1,5 triệu đồng/chiếc); trao 50 xe đạp (trị giá 700 ngàn đồng/chiếc) cho TMC “vượt khó học giỏi”; phối hợp tổ chức các đợt khám, phẫu thuật đặt thủy tinh thể cho 200 người bị bệnh mắt với số tiền trên 132 triệu đồng; lắp 160 máy trợ thính; hỗ trợ kinh phí tổ chức phẫu thuật cho các trường hợp bị vẹo cột sống và khuyết tật chi với số tiền 650 triệu đồng; hỗ trợ tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn NTT với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện tốt các chính sách trợ giúp cho NTT&TMC. Qua đó, có 24.921 NTT được hưởng các chế độ trợ cấp;  2.995 NTT và 423 TMC được trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên tại cộng đồng; vận động các gia đình nhận nuôi dưỡng 173 TMC; có 619 trẻ khuyết tật được phẫu thuật phục hồi chức năng; 457 trẻ em sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật trả lại nụ cười; 103 em được phẫu thuật mắt; 350 em được phẫu thuật tim bẩm sinh. Có hơn 1.505 NTT được học văn hóa, học nghề, hàng trăm người đã có việc làm để ổn định cuộc sống.

- Việc phát triển tổ chức cơ sở Hội đã tiến hành được đến đâu, thưa ông?

+ Nhiệm kỳ qua, Thường trực Tỉnh Hội cũng đã cố gắng chỉ đạo phát triển tổ chức Hội ở các huyện, thành phố và hình thành các chi hội trực thuộc. Đến nay, có 3 huyện đã thành lập tổ chức Hội là Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh và An Nhơn; 3 huyện đã thành lập Ban vận động thành lập Hội là Hoài Ân, An Lão và TP Quy Nhơn và đã thành lập 7 chi hội trực thuộc ở các huyện: Vân Canh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Các chi hội: Sức Sống, Đồng Tâm (TP Quy Nhơn); Niềm Tin (Vân Canh) có nhiều hoạt động sôi nổi, trở thành tổ ấm của nhiều NTT&TMC. Ngoài ra, các chi hội còn hình thành 10 nhóm Tự lực, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hiện toàn tỉnh đã phát triển được 1.080 hội viên. Hội cũng đã vận động xây dựng Quỹ hội được 5,8 tỉ đồng, ưu tiên chi cho các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà giúp NTT&TMC vươn lên trong cuộc sống, học tập.

- Có điều kiện gần gũi với NTT&TMC, ông hiểu điều băn khoăn, trăn trở nhất của họ là gì?

+ NTT&TMC hiện còn rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hầu hết họ có học vấn thấp; gần 36% không biết chữ, 35%, có trình độ tiểu học, 24% có trình độ THCS, 3% có trình độ THPT và tương đương, chỉ có 1,5% có trình độ đại học và cao đẳng. Các doanh nghiệp nói chung thiếu thiện chí trong việc nhận NTT vào làm việc, trong khi bản thân họ, phần lớn vẫn còn mặc cảm, tự ti, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, phó mặc cho số phận hoặc ỷ lại sự giúp đỡ của gia đình và xã hội. Do đó, ít có cơ hội để NTT tự kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, ngoài nhu cầu muốn học nghề và có việc làm để tự nuôi sống bản thân, đại bộ phận NTT&TMC có nguyện vọng được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: hưởng trợ cấp thường xuyên, khám chữa bệnh miễn phí, phục hồi chức năng, cấp xe lăn - xe lắc, tư vấn sức khỏe, nhận học bổng… Chúng tôi hy vọng nguyện vọng của họ sẽ ngày càng được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và cá nhân có lòng hảo tâm quan tâm chia sẻ.

- Thế còn về phía Hội, Hội sẽ chia sẻ với NTT&TMC như thế nào?

+ Hội sẽ ưu tiên cho chương trình dạy nghề tạo việc làm và mở rộng các hình thức trợ giúp; vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ hội; góp phần cùng với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ giúp NTT&TMC; tạo điều kiện thuận lợi cho NTT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, TMC vươn lên trong cuộc sống và học tập… Nói chung, Hội sẽ nỗ lực để từng bước cải thiện cuộc sống của NTT&TMC.

* Xin cảm ơn ông!

  • La Ánh (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
An Nhơn: Lá cờ đầu trong công tác DS - KHHGĐ  (12/03/2010)
Tạo chuyển biến nhận thức cho người dân vùng sâu, vùng xa  (25/02/2010)
Còn nhiều trẻ em thấp, còi  (05/02/2010)
Nhìn từ xã bán đảo Nhơn Lý  (22/01/2010)
Phù Cát: Chăm sóc tốt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (15/01/2010)
Đối tượng đích đã chủ động và phát huy các quyền của mình   (10/01/2010)
Người miền núi làm dân số  (25/12/2009)
Những hệ lụy thấy trước  (18/12/2009)
Còn nhiều thách thức  (11/12/2009)
Cần sớm được ổn định!  (04/12/2009)
Sẽ có giải pháp kiểm soát dân số vùng biển đảo  (27/11/2009)
Mang hy vọng cho trẻ bệnh tim nghèo  (06/11/2009)
Cần được đổi mới  (30/10/2009)
Chung sức cứu giúp trẻ em khuyết tật  (16/10/2009)
Những mục tiêu “số 1”  (09/10/2009)