Để cung cấp những cơ sở khoa học cho việc lập kế hoạch tuyên truyền, vận động các đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên, năm 2009 Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố tiến hành cuộc điều tra, khảo sát thực trạng sinh con thứ 3 trở lên và một số yếu tố liên quan. Kết quả điều tra cho thấy nhiều vấn đề đáng phải quan tâm.
|
Sinh con đông và sinh con thứ 3 trở lên tập trung ở vùng nông thôn và ven biển. - Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ ở trạm xá xã Cát Thành, Phù Cát (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Miền biển thích sinh nhiều
Theo kết quả điều tra, năm 2008 tỉnh Bình Định có 18.322 trường hợp sinh, trong đó đã có 3.698 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chiếm tỉ lệ 20,2%. Sinh con đông và sinh con thứ 3 trở lên tập trung ở vùng kinh tế chưa phát triển trong đó khu vực nông thôn 65,8%; ven biển 20,2%. Hầu hết các huyện ven biển tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều ở mức cao như Phù Cát 26,2%; Phù Mỹ 25,8%; Hoài Nhơn 20,6% và Tuy Phước 20%. Chỉ riêng Hoài Ân dù là huyện trung du song tỉ lệ sinh con thứ 3 cũng đạt đến mức 25,2%, trong khi tại các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh chỉ đạt mức 14,2-18,5%. Trong số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên có 76% là con thứ 3, 24% là con thứ 4 trở lên. Cá biệt có trường hợp sinh con thứ 10 (ở xã Canh Thuận, Vân Canh) hay sinh con thứ 9 (ở xã Cát Tiến, Phù Cát). Có 8 trường hợp sinh 7-8 con; 40 trường hợp sinh 6 con; 161 trường hợp sinh 5 con.
Trên bình diện văn hóa, phần lớn đối tượng sinh con thứ 3 trở lên đều có trình độ văn hóa và thu nhập thấp. Theo kết quả điều tra, trong tổng số đối tượng sinh con thứ 3 trở lên có trình độ văn hóa trung học cơ sở là 66,3% (đối với người vợ) và 65% (đối với người chồng); chỉ có 6,2% (đối với người vợ) và 16,1% (đối với người chồng) có trình độ văn hóa trung học phổ thông ở trong số đối tượng sinh con thứ 3 trở lên. 2,6% số phụ nữ chưa biết chữ. Trên bình diện việc làm, nghề nghiệp chính của đối tượng sinh con thứ 3 trở lên phần lớn làm nông nghiệp, ngư nghiệp hoặc làm rừng, chiếm đến 73,1% (đối với người vợ) và 78,2% (đối với người chồng). Số buôn bán hoặc làm dịch vụ chỉ chiếm 11,2% (đối với người vợ). Chính đây cũng là cơ sở cho nhận định “một bộ phận dân cư có thu nhập khá lên muốn sinh thêm con”.
* Không chỉ vì sinh con một bề
Điều đáng quan tâm là kết quả điều tra về tỉ số giới tính khi sinh năm 2008 là 109 nam/100 nữ, khác xa với báo cáo thống kê là 117 nam/100 nữ. Con số này chứng tỏ công tác thống kê báo cáo về giới tính khi sinh của hệ thống DS-KHHGĐ còn nhiều sai sót. Rút kinh nghiệm từ cuộc điều tra này, năm 2009 số báo cáo thống kê được chấn chỉnh và cũng cho kết quả tỉ số giới tính khi sinh là 109 nam/100 nữ.
Trong tổng số các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên thì số trường hợp sinh con một bề là 21,4%, trong đó sinh con một bề là nữ chiếm 11,2%; có 15,3% số trường hợp đã có từ 3 con trở lên nhưng toàn con gái. Tuy nhiên lại có đến 45,4% số trường hợp có từ 2 đứa con trai trở lên vẫn sinh con thứ 3. Chính điều này cho thấy việc sinh con thứ 3 trở lên không phải chủ yếu do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” hay vì muốn có con trai để nối dõi tông đường mà chủ yếu là do ý muốn sinh nhiều con.
Có điều lạ là đến 36,2% số người được hỏi cho là họ không mong muốn có đứa con nhỏ này lại tương đương với tỉ lệ 38,7% số người không sử dụng BPTT hiện đại nào trước có thai. Tuy nhiên các số liệu báo cáo từ cơ sở lại cho tỉ lệ 76% số người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các BPTT hiện đại (!). Từ đây cho thấy các con số báo cáo về các BPTT phi lâm sàng và có độ tin cậy thấp cũng giống như báo cáo số trẻ sinh, đặt ra trách nhiệm đối với những người trực tiếp làm công tác DS-KHHGĐ...
|