Đó là thông điệp được Liên minh các nữ hộ sinh quốc tế (ICM) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đưa ra nhân Ngày Quốc tế Nữ hộ sinh (5.5), nhằm kêu gọi giải quyết khẩn cấp việc thiếu nữ hộ sinh có kỹ năng trên toàn thế giới, đảm bảo cuộc sống cho mọi phụ nữ và trẻ em. Tại Bình Định, dù sự phát triển của mạng lưới nhân viên y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đã góp phần quan trọng trong việc đưa dịch vụ đến gần dân, nhưng thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm.
|
Dù được đầu tư nhiều về nhân lực, dịch vụ chăm sóc SKSS, nhưng nhiều năm nay, Trạm y tế xã Canh Liên (huyện Vân Canh) vẫn chưa đón được một sản phụ nào đến sinh. Ảnh: Thu Hiền
|
Với đặc thù vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn, Trạm y tế xã Canh Liên (huyện Vân Canh) được đầu tư tương đối nhiều nhân lực và dịch vụ chăm sóc SKSS để phục vụ người dân địa phương. Trạm hiện có một khu vực chăm sóc SKSS với thiết bị y tế tương đối và y sĩ sản nhi. Tuy nhiên, nhiều năm nay trạm vẫn chưa đón được một sản phụ nào đến sinh.
Y sĩ Nguyễn Văn Sớt, Trạm trưởng Trạm y tế xã Canh Liên, cho biết: “Phần do tập quán của đồng bào miền núi, phần do bà con tin cán bộ y tế huyện nên khi sinh là xuống thẳng Trung tâm Y tế huyện, còn những trường hợp không đi xa được thì sinh tại nhà”.
Đây là tình hình chung của các trạm y tế xã ở huyện miền núi Vân Canh. Đến nay, 7/7 trạm y tế xã, thị trấn của huyện đều có nữ hộ sinh và y sĩ sản nhi. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế triển khai dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân tại địa phương đã được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 trạm y tế xã Canh Thuận, Canh Hiển, Canh Vinh là có người đến sinh tại trạm. Đáng nói hơn, có khoảng 20% số ca sinh tại nhà không có nhân viên y tế đỡ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho biết: “Các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn thường xuyên được triển khai cho các nữ hộ sinh và y sĩ sản nhi; nhưng do hạn chế về khả năng tiếp nhận nên với những ca đẻ tiên lượng hơi khó một chút buộc phải chuyển ngay lên tuyến trên”.
Theo Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh của ngành y tế tỉnh đã được tăng cường. Tuy nhiên, một số các chỉ số về làm mẹ an toàn vẫn còn có sự chênh lệch nhiều giữa các huyện miền núi và đồng bằng, trung du. Ví như, số bà mẹ đẻ được khám thai 3 lần trở lên của cả tỉnh là 97,93%; nhưng ở các huyện miền núi như Vân Canh chỉ đạt 72,53% và Vĩnh Thạnh 91,53%. Đặc biệt, số bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế của tỉnh là 97,72% thì tỉ lệ ở các huyện miền núi rất thấp, như: Vân Canh 74,15%, Vĩnh Thạnh 86,36% và An Lão 71,35%.
Cả tỉnh Bình Định hiện có 158 cán bộ chuyên trách là nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi tuyến xã. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 trạm y tế: An Toàn, An Vinh, An Nghĩa (huyện An Lão); Ân Đức, Ân Sơn (huyện Hoài Ân); Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) chưa thực hiện được các dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ vì không có nữ hộ sinh hay y sĩ sản nhi.
Và như thế, trong lĩnh vực chăm sóc SKSS, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, việc đầu tư vào đội ngũ cô đỡ có kỹ năng cũng như các dịch vụ cấp cứu phải được xem là một ưu tiên hàng đầu. Cô đỡ có kỹ năng, có vai trò lớn trong việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ, tư vấn và phòng chống lây HIV từ mẹ sang con. Việc các bà mẹ được chăm sóc tốt trong cả quá trình mang thai, sinh con và sau sinh có thể giúp phòng chống tới 90% tỉ lệ chết bà mẹ.
|