Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH về tăng cường các giải pháp bảo vệ trước các hành vi xâm hại, hành hạ và ngược đãi trẻ em, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống các hành vi xâm hại và ngược đãi trẻ em.
|
Từ Dự án ECCE, nhiều trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa Bình Định đã hưởng được nhiều lợi ích trong việc chăm sóc và giáo dục mầm non. - Trong ảnh: Khu vui chơi cho trẻ em xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn). Ảnh: Hoàng Vân
|
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc xâm hại, ngược đãi trẻ em liên tục xảy ra ở một số địa phương trong nước, đặc biệt là các trường hợp bạo lực học đường trong giới học sinh. Ở tỉnh ta nổi cộm trong thời gian qua là các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục và nhiều vụ học sinh chia thành băng nhóm đánh nhau dẫn đến chết người. Tình hình nói trên đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình vi phạm quyền trẻ em với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Tuy nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chương trình 19 về “Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm”, nhất là triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn cho các nhóm trẻ em có nguy cơ, nhưng công tác giáo dục phòng ngừa trẻ em hư, trẻ em phạm pháp, tụ tập băng nhóm đánh nhau cũng như các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa trẻ em bị xâm hại ở một số xã, phường chưa được quan tâm đúng mức. Các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phát huy tính chủ động của mỗi địa phương trong việc phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, ngành LĐ-TB&XH cần thiết phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tiếp tục triển khai, quán triệt và thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó cần quan tâm phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Một nội dung quan trọng cũng cần được phối hợp thực hiện tốt là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn như: tư vấn nhóm nhỏ cho các gia đình và nhóm trẻ em có nguy cơ, nói chuyện chuyên đề tại thôn xóm, tổ chức các cuộc thi vui tìm hiểu về quyền và bổn phận của trẻ em cho các em thông qua các buổi sinh hoạt hè, nhằm giúp cho các em hiểu rõ hơn về quyền và bổn phận của mình để ứng xử trong cuộc sống. Từ các cuộc thi vui, trang bị cho các em các kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bị xâm hại, nhất là bị xâm hại tình dục. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mỗi người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Song song với các hoạt động phối hợp nêu trên, cộng đồng cần tích cực phát hiện, can thiệp và trợ giúp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại đảm bảo cho các em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc phục hồi và hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
|