1. Dòng dõi, gia thế các thủ lĩnh Tây Sơn
Các thủ lĩnh Tây Sơn sau khi xưng đế có Nguyễn Nhạc (1778), Nguyễn Huệ (1788) vẫn tự nhận "áo vải đất Tây Sơn" và xưng Triều Tây Sơn. Vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng gọi Tây Sơn. Đây là điều rất đặc biệt trong các dòng họ cầm quyền của chế độ quân chủ Việt Nam. Có phải do tầm vóc, ảnh hưởng của phong trào Tây Sơn quá lớn nên sau khi lên ngôi Hoàng đế, các thủ lĩnh Tây Sơn vẫn lấy tên của cuộc khởi nghĩa làm tên của triều đại mình - điều mà trước đây Lê Lợi đã không sử dụng tên Lam Sơn cho triều đại của mình sau khi đánh thắng quân Minh, lên ngôi, trị nước. Hay do sự lựa chọn giữa họ Nguyễn hoặc họ Hồ mà các lãnh tụ Tây Sơn phải chọn phương án thứ 3 vừa khôn khéo lại hợp lòng dân. Các sách Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789)1, Hoàng Lê nhất thống chí 2, Đại Nam thực lục tiền biên 3, Đại Nam chính biên liệt truyện4, Khâm định Đại Việt thông giám cương mục5 đều thừa nhận các Thủ lĩnh Tây Sơn là họ Nguyễn, nhưng không nói tổ tiên là họ gì.
|
Tây Sơn Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung - ảnh Đà Tiến Đạt |
Trong cuốn Tây Sơn tiềm long lục do Nguyễn Bá Huân (1848-1899) 6, một danh sĩ người Bình Định cho biết thân sinh của các thủ lĩnh Tây Sơn là họ Hồ:
"Hồ công buôn bán ngược xuôi
Nông tang vất vả lắm mùi truân chuyên
Phước nhà sinh được con hiền
Nhạc, Thơm cùng Lữ thiếu niên anh hùng".
Phan Trần Chúc cho rằng ông tổ của họ là họ Hồ, đến đời thứ 3 là Hồ Phi Phúc. Phi Phúc sinh 3 con trai là Nhạc, Lữ và Huệ[1].
Giới nghiên cứu hiện nay thống nhất rằng: Ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng là song thân của các lãnh tụ Tây Sơn, đến đời con mới đổi thành họ Nguyễn. Điều này được giải thích rằng các con của ông Hồ Phi Phúc lấy họ mẹ để được kế thừa tài sản bên ngoại ở thôn Phú Lạc. Cũng có giả thiết cho rằng: Giáo Hiến - nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong buổi tiền khởi nghĩa đã khuyên anh em Tây Sơn đổi thành họ Nguyễn để thực hiện câu sấm "phụ Nguyên trì thống" (giúp chúa Nguyễn để khôi phục thống nhất đất nước). Quách Tấn cho rằng: Ông tổ anh em Tây Sơn là Hồ Phi Long. Ông Long giúp việc cho họ Đinh ở thôn Bàng Châu (huyện Tuy Viễn), được lấy con gái nhà họ Đinh. Ông bà sinh ra Hồ Phi Tiễn. Ông Tiễn đi buôn trầu và lấy bà Nguyễn Thị Đồng ở thôn Phú Lạc là con gái duy nhất của phú thương buôn trầu. Ông Tiễn chuyển nhà về ở Phú Lạc. Để hưởng gia tài bên ngoại, người con sinh ra đã lấy họ Nguyễn là Nguyễn Phi Phúc. Ông Phúc lập bến Trường Trầu ở Kiên Mỹ (bên sông Côn) để buôn trầu. Ông Phúc lấy bà Mai Thị Hạnh, ông sinh ra 3 người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ tức Nguyễn Bình và Nguyễn Lữ1. Chỉ có gốc gác này thì được nhiều tài liệu nêu ra: "Tổ tiên Nguyễn Văn Nhạc là người Hưng Nguyên, Nghệ An. Trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức (1653-1657) nhà Lê, ông tổ 4 đời Nguyễn Văn Nhạc bị quân chúa Nguyễn bắt đem vào cho ở Nhất Ấp - vùng Tây Sơn (đất Tây Sơn có hai ấp: Nhất và Nhị, nay là hai thôn An Khê, Cửu An). Cha tên là Phúc, dời về ấp Kiên Thành (nay là thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn), sinh ra 3 người con: con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ” 2.
Đàng Trong đất rộng, người thưa cần có nhân lực dồi dào để khai phá và phát triển. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) trong trận xuất quân ra Nghệ An từ năm 1665 bắt binh dân ở Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đưa về Nam, cho quân đánh chiếm 7 huyện Nghệ An từ nam sông Lam chia đất cho quan chức cai trị, thu tô thuế trong vòng 5 năm (1655-1660), quân Nguyễn đã nhiều lần vượt sông Lam đánh ra huyện Hưng Nguyên (1657-1658) trong các trận Đồng Hôn, Mỹ Dụ, Trịnh Kiểm thua chạy3. Có lẽ, trong các trận đánh này, quân chúa Nguyễn đã bắt nhiều binh dân ở Hưng Nguyên về Nam, trong đó có ông tổ 3 đời của anh em Tây Sơn. Năm 1786, trên đường tiến quân ra Thăng Long, Nguyễn Huệ đến làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên để nhận Tổ quán của mình. Năm 1789, vua Quang Trung truyền cho dân làng Thái Lão tu tạo Tổ miếu để phụng tự. Dân làng Thái Lão đã rất tự hào có nhà Tây Sơn:
"Xã Thái Lão phát vương
Trai anh hùng tráng kiệt".
Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, di tích Tổ miếu ở Thái Lão cũng bị triệt hạ. Gia Long đã cho tàn sát dòng dõi Tây Sơn ở Thái Lão. Các bô lão truyền rằng: "Lúc Gia Long lên ngôi có chiếu: "Hễ ai là bà con tộc thuộc Tây Sơn ra khai báo sẽ được trọng dụng, bổ làm quan". Các tộc thuộc Tây Sơn ở Hưng Nguyên tưởng thật đã khai báo, không ngờ tất cả đều bị bắt và bị giết. Hiện nay, có 24 gia đình gốc họ Hồ đều có người chết trong ngày đại tang Tây Sơn, kỵ vào ngày 20 tháng 10 âm lịch hàng năm. Những người còn sống sót do lẩn trốn sang các làng khác, có người phải đổi thành họ Nguyễn mới tránh được sự truy nã của vua quan triều Nguyễn.
Hiện nay, ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An tương truyền ở đó có khu Mộ tổ nhà Tây Sơn1.
Một tài liệu để lại cho chúng ta đều xác nhận Nguyễn Nhạc là anh đầu của tam kiệt Tây Sơn, nhưng Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ai là anh thì các tài liệu không thống nhất với nhau. Các sách Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thủy mạt khảo, đều thống nhất ngôi thứ trong ba anh em Tây Sơn đã khẳng định rằng: "Con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ"2.
Dân phủ Quy Nhơn xưa truyền lại rằng: Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi anh Hai Trầu. Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm nên gọi là chú Ba Thơm. Nguyễn Lữ gọi là thầy Tư Lữ, vì có thuở Nguyễn Lữ đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani) một hệ tôn giáo của người Chàm cổ.
Các giáo sĩ phương Tây đương thời có mặt trên đất nước ta có quan điểm chống Tây Sơn, ủng hộ Nguyễn Ánh như Labartette, trong thư ngày 12.5.1787 gửi cho Hội truyền giáo ở Paris có ghi: "Anh cả là Thoi Duc (tức Thái Đức), hai ông Hoàng là Duc Ông Bai (Đức Ông Bảy) và Đức Ông Tám" (Đức Ông Tám chính là Nguyễn Huệ). Và trong thư của Eyet viết ngày 15.1.1783 có ghi: "Chúng tôi hay tin quân Nam Hà đã chiếm được hai trấn Bắc Hà. Quân chúng do người em nhỏ nhất của Tây Sơn cầm đầu sắp chạm trán với quân nhà Lê"3.
Ngày 30.6.1788, Varen có viết: "Chiến tranh bùng nổ giữa tháng 1 âm lịch năm ngoái giữa hai anh em Nhạc và Ông Tám, chấm dứt vào tháng 5 âm lịch. Một phần dân Huế tử trận"4.
Trong nhật ký của Giáo hội Bắc Kỳ, ghi từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1788 đã xếp rõ vị trí Nguyễn Huệ trong gia đình như sau: Ông bạo chúa đáng sợ ở miền Nam kỳ thượng gọi là Duc Oung, em thứ tám của Tiếm vương Nhạc. Như vậy, Duc Oung Bai là em thứ 7, chỉ nguyễn Lữ và Duc Oung Tám là Nguyễn Huệ, em út của gia đình Tây Sơn.
Lê Trọng Hàm trong sách Minh đô sử lại cho biết ông Hồ Phi Phúc sinh "Nhạc, Lữ đến hai cô con gái rồi đến Huệ"1. Một trong hai chị gái của Nguyễn Huệ được sử sách tiết lộ vào năm 1792, khi hay tin Vua Quang Trung băng hà, một đoàn gia nhân và quan lại hơn 300 người do Nguyễn Nhạc cầm đầu từ Quy Nhơn ra Phú Xuân để dự lễ Quốc tang đều bị quan quân của Cảnh Thịnh chặn lại trên đất Quảng Ngãi, chỉ trừ một cô em gái của Nguyễn Nhạc được phép ra Phú Xuân2. Như vậy, trong số 7 anh em Tây Sơn, hai người còn lại không rõ lai lịch và chưa tìm thấy trong sử sách.
Trong tam kiệt Tây Sơn, chỉ Nguyễn Lữ ít có vai trò hơn. Tuy nhiên, Nguyễn Lữ cũng là tướng lĩnh chỉ huy nhiều trận đánh quân Nguyễn Ánh ở Gia Định và quân Trịnh ở Phú Xuân. Ông đã truyền lại cho đời sau bài võ "Hùng kê quyền" độc đáo. Sau được phong Đông Định Vương trấn giữ Gia Định, bị thất bại trước sự phản công của quân Nguyễn Ánh và đã chết một cách thầm lặng, nay không rõ gia thế của Nguyễn Lữ. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ có vai trò quan trọng trong phong trào Tây Sơn và lịch sử dân tộc, có một cuộc đời, hoàn cảnh gia đình phong phú và kết cục bi thương.
(còn nữa)
Theo địa chí Bình Định
-------------------------------------------------------------------------------
1 NXB. KHXH, Hà Nội, 1991, tr. 361.
2 Tập 1, XB. Văn Học, Hà Nội, 1984, tr. 90.
3 sđd, tr243.
4 Sđd, tr.7
5 XB. Sử học, Hà Nội, 1960, tập 19, tr. 44.
6 Nguyễn Bá Huân, Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện, Sở VHTT. Nghĩa Bình, 1978, tr. 11.
[1] Phan Trần Chúc, Vua Quang Trung, NXB. Văn hóa Thông tin, tái bản, Hà Nội, 2000, tr. 9.
1 Quách Tấn, Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 20-22. Tác giả có tham khảo tập Tây Sơn nhân vật chí của Đinh Sĩ An thời Cảnh Thịnh. (Tài liệu tác giả dẫn ở trên nay không còn để kiểm chứng). Nhưng chúng tôi đã có một số hoài nghi sau: Ông tổ Hồ Phi Long bị bắt đưa vào ấp Tây Sơn Thượng có một mình, không vợ con chăng? Từ đó cơ hội nào mà quan hệ được với một hào phú họ Đinh ở Bàng Châu (gần Đập Đá hiện nay), xa cách về không gian, quan niệm, nghề nghiệp và vị trí xã hội thế mà được họ Đinh gả con gái cho. Ông sinh ra ông Tiễn ở đâu? Tây Sơn Thượng hay Bàng Châu để rồi về ở với quê vợ là bà Nguyễn Thị Đồng tại Phú Lạc. Lý do sau con là Nguyễn Phi Phúc sao không ở lại Phú Lạc để thừa kế gia sản bên ngoại mà người con trai duy nhất này lại chuyển về sống ở làng Kiên Mỹ và lập bến Trường Trầu?
2 ĐNTLCBLT, Q.30, sđd, tờ 1A và 1B, bản dịch, tr. 7, 8.
3 ĐNTLTB, sđd, tr. 84-106. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Viện Sử học, Hà Nội, 1984, tr. 90. Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, Sử học, Hà Nội, 1960, tập 19, tr. 44.
Lam Giang, Hùng Khí Tây Sơn, Sơn Quang, Sài Gòn, 1968, tr. 14.
1 Đỗ Bang, Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Thuận Hóa - Huế tái bản lần 2, 1998, tr. 7-8
2 ĐNCBLT, Q.30, tờ 10b.
3 Thư của Eyet gửi Letondal, tập TonKin, 700, tr. 1355.
4 Hồ sơ Giáo hội, tập Cochinchine 746, tr.198. 1 Minh đô sử, sách chép tay, Q.30, phần chú thích.
|