Thứ năm, ngày 3/4/2025 Cập nhật tin tức Festival 2008
Search
English version Vietnamese version
Tin tức hoạt động
Sự nghiệp nhà Tây Sơn
Quang Trung - Nguyễn Huệ
Di tích-Danh thắng-Đặc sản
Các dự án đầu tư
Khách sạn, nhà nghỉ
Video, nhạc, ảnh
Cuộc thi Hoa hậu Những miền Đất võ
 
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)
6:34', 2/2/ 2008 (GMT+7)

* Nguyễn Nhạc (? - 1793).

Nguyễn Nhạc - người có công đầu trong khởi nghĩa Tây Sơn, chưa rõ năm sinh. Lúc nhỏ, ông có đi học, sau được học với Giáo Hiến (Trương Văn Hiến, anh em với Trương Văn Hạnh - người bị quyền thần Trương Phúc Loan ám hại, trốn vào mở trường dạy văn và võ ở An Thái, phủ Quy Nhơn). Giáo Hiến tin tưởng vào anh em Tây Sơn nên truyền cả ý tưởng khởi nghĩa cho đám môn sinh thân tín này. Nguyễn Nhạc làm nghề buôn trầu nên có điều kiện giao dịch với nhiều tầng lớp nông, thương trên nguồn, dưới biển. Nguyễn Nhạc được giao chức Biện lại (thu thuế) ở Vân Đồn cho chúa Nguyễn. Đây là cơ hội Nguyễn Nhạc đoạt tiền thuế đi thu được để làm tài chính cho cuộc khởi nghĩa vào năm 1771. Nguyễn Nhạc là thủ lĩnh nông dân mưu lược, mạo hiểm và có tài thuyết phục, vận động nhiều tầng lớp nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa như người Bana, nông dân nghèo, phú hào, phú thương, người Hoa, nữ chúa Thị Hỏa (nữ chúa Chiêm Thành) nên cuộc khởi nghĩa đã phát triển thành quy mô lớn trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa. Ông đã gả con gái cho các quý tộc và tướng lĩnh đối phương để chiêu nạp nhân tài. Nguyễn Nhạc biết khai thác lòng tin của nhân dân, khiến cho họ tin vào "Tây Sơn Nguyễn Nhạc vi vương" để tập hợp được lực lượng đông đảo nhân dân. Ông cũng là người rất mạo hiểm: tự ngồi vào trong cũi để nộp mình cho giặc, lợi dụng khi giặc sơ hở phá cũi đánh chiếm thành đã tạo nên chiến thắng Quy Nhơn năm 1773. Hạn chế của Nguyễn Nhạc là do sớm thỏa mãn, tự đắc, tầm nhìn hạn hẹp nên đã cản trở bước phát triển của phong trào Tây Sơn.

 

                         Di tích Thành Hoàng Đế-nơi Nguyễn Nhạc đóng đô.

 

Năm 1776, lúc chúa Nguyễn còn ở Gia Định, quân Trịnh đang mạnh ở Phú Xuân, Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn Vương, cho đúc ấn vàng, phong Nguyễn Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, đóng đô ở thành Đồ Bàn.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế - tự nhận Trung ương Hoàng đế ngang hàng với các Hoàng Đế Trung Quốc và các Hoàng đế Việt Nam. Thành Đồ Bàn đổi làm thành Hoàng đế. Nguyễn Nhạc - một Hoàng đế tự mãn. Năm 1786, Nguyễn Huệ cho quân ra Thăng Long, Nguyễn Nhạc tức tốc ra Bắc để kéo em về, kìm hãm sức phát triển của Tây Sơn khi phong trào đã tỏa rộng ra cả nước, đã dẫn đến mâu thuẫn kịch liệt giữa hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ sau đó, làm tổn thất và suy yếu lực lượng Tây Sơn để rồi Nguyễn Ánh có cơ hội trở về đất Gia Định đánh chiếm và làm chủ phần đất của Tây Sơn ở phía nam mà Nguyễn Lữ không có sức để bảo vệ. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đang lúc lớn mạnh, nhưng với sự phân phong gần như biệt lập trong nội bộ Tây Sơn đã làm cô lập phần đất Gia Định do Nguyễn Lữ quản lý nên dễ đi đến thất bại trước thế lực của Nguyễn Ánh. Từ đây là bàn đạp để Nguyễn Ánh tấn công ra vùng đất Trung ương Hoàng đế (1791-1792-1793) và Nguyễn Nhạc đã để thua liên tiếp. Trong thế cùng, Nguyễn Nhạc mới cho người ra Phú Xuân cầu cứu. Cảnh Thịnh đưa quân vào giúp (năm 1793), quân Nguyễn rút lui khỏi Quy Nhơn. Các tướng của Cảnh Thịnh vào thành Hoàng đế niêm kho tàng, tịch biên tài sản, Nguyễn Nhạc tức hộc máu mà chết (1793).

Về gia đình Nguyễn Nhạc, theo Quách Tấn, ông có bà vợ tên Trần Thị Huệ1. Những ngày xây dựng căn cứ  khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, ông có bà vợ người Bana tên Ỹa Đố, gọi là cô Hầu, có công giúp ông xây dựng hậu cần cho quân khởi nghĩa. Vào khoảng năm 1775, Nguyễn Nhạc có  cô con gái tên Thọ Hương, gả cho chúa Nguyễn Phúc Dương, sau có 2 cô lại tiếp tục gả cho 2 vị tướng là Trương Văn Đa và Võ Văn Nhậm. Năm 1776, Nguyễn Nhạc sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Bảo, sau này (1793), Cảnh Thịnh phế làm Tiểu triều, cho ăn lộc một huyện Phù Ly. Năm 1802, các con của Nguyễn Nhạc l Thanh, Hn, Dũng bị bắt, Gia Long sai giết2. Nguyễn Nhạc còn có các con tên Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lương, bị bắt vào năm 1831, vua Minh Mạng ra lệnh chém ngang lưng cùng Nguyễn Văn Đâu (con Nguyễn Văn Đức, cháu nội  Nguyễn Nhạc)1.

(Còn nữa)

. Theo địa chí Bình Định

---------------------------------------------------------------------------------

1 Quách Tấn, Quách Giao, sđd, tr. 24

2 Đại Nam thực lục, tập III, tr. 13.

1 ĐNTLCBLT, Q.30, sđd, tr. 225, ĐNTL chép rằng con của Nguyễn Văn Đức là Nguyễn Văn Trượng bị giết (tập X, tr. 195.)

Gửi tin nay qua Email In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH  (30/01/2008)