|
Tượng Quang Trung-Nguyễn Huệ tại Nhà Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) |
Vua Quang Trung có lập hai hoàng hậu. Bà có tên Phạm Thị Liên quê ở phủ Quy Nhơn,2 sinh năm 1759, lấy Nguyễn Huệ năm bà 16 tuổi. Năm 1789, lúc bà 30 tuổi được phong làm hoàng hậu. Bà có 5 con với Nguyễn Huệ, 3 con trai là Quang Toản, Quang Bàn, Quang Thiệu, một trong hai người con gái lấy Nguyễn Văn Trị- viên phò mã giữ cửa biển Tư Hiền bị Nguyễn Ánh bắt vào năm 1801. Bà Chính cung Phạm hoàng hậu từ trần ngày 29.3.1791, mộ chôn dưới chân núi Kim Phụng, phía tây thành phố Huế3.
Công chúa Lê Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ năm 16 tuổi lúc Nguyễn Huệ đem quân ra đánh Thăng Long, được vua Lê Hiển Tông gả cho vị tướng Tây Sơn vì có công "phù Lê - diệt Trịnh" năm 1786. Năm 1789, Ngọc Hân được phong làm Bắc cung hoàng hậu. Bà có hai con với vua Quang Trung là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc. Bà từ trần ngày mồng 4 tháng 12 năm 1799 tại Huế. Sau năm 1801, các con của bà bị Nguyễn Ánh bắt xử tử ở Huế, sau đó được một đồ đệ cũ của Tây Sơn tên là Hài bí mật đưa hài cốt 3 mẹ con về táng tại quê ngoại ở làng Phù Ninh (Bắc Ninh), bị phát giác, vua Thiệu Trị ra lệnh phá huỷ đền thờ, đào hài cốt đổ xuống sông.
Ngoài hai hoàng hậu họ Phạm và họ Lê được sử sách ghi lại, Nguyễn Huệ còn có một số bà vợ :
- Bà mẹ của Nguyễn Quang Thuỳ
Nguyễn Quang Thuỳ là con ai? Đây là câu hỏi đối với nhiều người quan tâm đến gia thế của vua Quang Trung và cũng gây nhiều ngộ nhận, kể cả vua Càn Long nhà Thanh. Quang Thuỳ lớn tuổi hơn Quang Toản, đã có tên trong danh sách sứ bộ chúc thọ 80 tuổi vua Thanh năm 1790 - khiến Càn Long tưởng là con trưởng của Quang Trung nên phong cho làm Thế tử; sau biết không phải nên phong cho Quang Toản. Quang Thuỳ đã từng làm Tiết chế, trấn nhậm cả Bắc Hà, nhưng không phải là con của hoàng hậu họ Phạm và Ngọc Hân. Sau ngày vua Quang Trung chết có một giáo sĩ tiết lộ điều đó: "Ông để lại hai người con. Người được chỉ định nối nghiệp là người đích tử duy nhất, nhưng còn một người khác lớn tuổi hơn đang cai trị xứ Bắc là con của nàng hầu"1. Vậy mẹ của Quang Thuỳ là ai? Sao bà này không được phong làm hoàng hậu?
- Bà phi họ Lê người Quảng Ngãi
Hiện nay dòng họ Nguyễn Đức ở làng Tân Phổ, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị có giữ bản gia phả và bài văn tế ông Thỉ tổ nguyên họ Lê ở Quảng Ngãi ra Quảng Trị lánh nạn sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, con cháu đổi thành họ Nguyễn. Bài văn tế sao lại năm 1952 có đoạn: "Ngài Thỉ tổ ta, người họ Lê, quê quán tỉnh Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức, tổng Quy Đức, làng Bồ Đề. Ngài là công thần nhà Tây Sơn, chức Đô đốc. Ngài có bà chị (hay em) là vợ của vua Quang Trung và có một con trai sau khi vua Quang Trung băng hà. Tự Quân cũng là một vị đại tướng có tiếng lừng lẫy trong thời bấy giờ. Nhưng vì vận trời thay đổi nên nhà Tây Sơn phải đổ. Tự quân và ngài Thỉ tổ ta đều phải hy sinh. Gặp cảnh tang thương nên các con của ngài đều phải lưu lạc ra tỉnh này để lánh nạn, do đó đã phải đổi họ Lê ra họ Nguyễn''.
Vậy, bà họ Lê này không rõ chết trong trường hợp nào, nhưng con của bà - hoàng tử của vua Quang Trung bị Nguyễn Ánh giết hại sau năm 1801.
- Bà Trần Thị Qụy ở Hội An, Quảng Nam.
Tộc Trần ở làng Thanh Châu, thị xã Hội An còn giữ bản gia phả. Đời thứ 5 ghi rằng: ông Trần Công Thành sinh 7 người con, 4 trai 3 gái, trong đó có bà Trần Thị Qụy là quý phi triều Tây Sơn. Bản gia phả ghi chú là thứ phi Nguyễn Huệ - Quang Trung. Ông Trần Công Thành dưới triều Tây Sơn giữ chức Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân, Thái úy Chơn quốc công.
Tương truyền, sau khi Tây Sơn thất thế, bà Trần Thị Quỵ bị Nguyễn Ánh bắt được, đưa lên bãi cát Kim Bồng (xã Cẩm Kim) chém đầu, rồi thả trôi sông. Xác của bà được nhân dân bí mật vớt lên khâm liệm và mai táng cẩn thận ở cánh đồng xứ Trà Quân, làng Thanh Đông. Chúng tôi đã đến tận nơi khảo sát, thấy tấm bia khắc chữ:
''Đông Châu tiền triều hoàng hậu thứ phi tự Quỵ Trần tổ cô mộ.
Mậu Tuất hạ, nguyệt nhật kiết.''
Nghĩa là: mộ bà Trần Thị Quỵ, người làng Đông Châu là thứ phi hoàng hậu triều trước.
Bia do người cháu gọi bằng tổ cô lập ngày tháng tốt mùa hạ năm Mậu Tuất.
Tài liệu không nói đến con cái của bà Trần Thị Qụy.
- Bà Nguyễn Thị Bích người Quảng Trị
Căn cứ vào bản gia phả họ Nguyễn, chép lại năm 1926, đời thứ 8 có ghi:
Ông Nguyễn Văn Cẩn chánh dinh cai hợp, sinh năm Nhâm Thìn, chết ngày 16 tháng 9 năm Tân Mão thọ 60 tuổi.
Bà là Nguyễn Thị Ai sinh năm Giáp Ngọ, chết ngày 28 tháng 1 năm Nhâm Thìn, thọ 59 tuổi.
Hai ông bà sinh được 16 người con, 7 trai, 9 gái, có người con gái út tên là Nguyễn Thị Bích, gả cho vua Quang Trung, thôn (Mỹ Chánh), xuất đinh, xuất tịch từ đó. Bà chết ngày 10 tháng 9 năm Tân Mão, mộ táng tại Gò Thỏ, thôn Vĩnh Ân.
Nguyên văn chữ Hán: "Nguyễn Thị Bích giá vu Quang Trung Hoàng đế bổn thôn, xuất đinh tịch tự thử thuỷ. Tốt vu cửu nguyệt, sơ thập nhật, mộ tại Vĩnh Ân thôn, Gò Thỏ xứ ".
Qua bản gia phả đời thứ 11 có ghi về Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, tác giả cuốn Đồ Bàn thành ký ghi mộ táng thôn Vĩnh Ân, Bình Định.
Thông tin từ bản gia phả Mỹ Chánh cho chúng tôi thấy mối quan hệ giữa bà Nguyễn Thị Bích - vợ vua Quang Trung là Tổ cô Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, mộ chôn ở thôn Vĩnh Ân - Bình Định.
Năm 1986, chúng tôi đã đến thôn Vĩnh Long (đổi tên của thôn Vĩnh Ân) xã Cát Hanh, huyện Phù Cát để tìm gia tộc Nguyễn Văn Hiển. Bản gia phả ở thôn Vĩnh Long do ông Nguyễn Văn Thiễn (sinh năm 1933) giữ. Về cơ bản là thống nhất với bản gia phả họ Nguyễn ở làng Mỹ Chánh, duy đến chi tiết về bà Nguyễn Thị Bích lại ghi là: "Nguyễn Thị Bích tốt vu cửu nguyệt sơ thập nhật giá vu Quang Trung- Nguyễn Nhạc, An Thơ, Mỹ Chánh, tách đinh tự thử thuỷ". Bản gia phả này không ghi rõ mộ táng như bản ở Mỹ Chánh, nhưng con cháu họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Long cho biết hàng năm có đi chạp "mộ bà vua". Khi tìm hiểu mới biết mộ bà vua chôn ở Gò Thỏ là đất của thôn. Chúng tôi đến thăm "mộ bà vua" - bà Nguyễn Thị Bích ở Gò Thỏ nằm ở cồn cát hoang dã, không có bia, nấm mộ đắp bằng đất cát, sơ sài1. Tại Hội nghị Khảo cổ học toàn quốc năm 1986, chúng tôi có thông báo về vấn đề này và đã đề nghị Bảo tàng Quang Trung, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghĩa Bình lúc đó khẩn trương lập Hồ sơ di tích về gia thế của các thủ lĩnh Tây Sơn, trong đó có mộ phần của bà Nguyễn Thị Bích.
Tương truyền bà Nguyễn Thị Bích có một con trai với vua Quang Trung. Vị hoàng tử này đã theo mẹ từ Mỹ Chánh - Quảng Trị vào ẩn tránh tại Vĩnh Ân (Bình Định) sau khi triều Tây Sơn bị Nguyễn Ánh truy diệt (1801). Hiện nay chưa rõ dòng máu Quang Trung do bà Nguyễn Thị Bích cưu mang còn bảo tồn được không? cần có những nỗ lực nghiên cứu tiếp. Về các con của vua Quang Trung, ngoài 5 người con 3 trai 2 gái do hoàng hậu họ Phạm sinh và 2 người con do hoàng hậu Lê Ngọc Hân sinh như chúng ta đã biết; rồi trường hợp con bà họ Lê ở Quảng Ngãi con bà Nguyễn Thị Bích theo mẹ vào lánh nạn ở Bình Định sau năm 1801 mà chúng ta chưa có điều kiện để xác minh thêm, số con của vua Quang Trung qua tìm hiểu cho thấy cĩ đến 17 người. Trong Đại Nam thực lục có ghi tên 3 người con của vua Quang Trung bị Nguyễn Ánh bắt vào năm 1801 là Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện... tất cả đều bị bắt trên đường trốn chạy ra Triệu Phong và Quảng Bình2. Sau đó, Đặng Trần Thường cũng bắt được một người tên Thất -con của Nguyễn Huệ1. Thái tể Quang Duy - con vua Quang Trung bị bắt và hành hình tại Phú Xuân ngày 12.12.1802 cùng với Quang Thiệu và Quang Bàn (con bà họ Phạm). Quang Thùy là ưu tú, tinh hoa của dòng máu Quang Trung. Năm vua Quang Trung mất (1792), Quang Thuỳ 13 tuổi, dù lớn hơn Quang Toản vài tuổi nhưng không được kế vị vì mẹ không được lập hoàng hậu, triều thần có xung đột xung quanh việc nối ngôi nhưng Quang Thuỳ vẫn giữ được sự đoàn kết trong nội bộ Tây Sơn. Quang Thuỳ được Cảnh Thịnh phong làm Khang công trấn nhậm Bắc Hà. Năm 1801, Phú Xuân thất thủ, ở Thăng Long, Quang Thuỳ đã chuẩn bị nghênh đón Cảnh Thịnh và triều Tây Sơn. Năm 1802, Quang Thuỳ mở cuộc phản công chiếm lại thành Phú Xuân. Đội quân do Quang Thuỳ chỉ huy đánh vỡ được luỹ Trấn Ninh, tiến về sông Gianh thì bị quân Nguyễn đẩy lùi. Thuỳ đưa quân ra Nghệ An gặp Cảnh Thịnh, lại mở trận cuối cùng nhằm khôi phục Phú Xuân nhưng không thành. Cảnh Thịnh, Quang Thuỳ chạy ra Bắc, cả hai đều bị bắt. Quang Thuỳ đã dũng cảm thắt cổ tự tử. Năm 1801, Nguyễn Ánh cho bắt các cô công chúa của Quang Trung giam trong ngục, trong đó có công chúa là vợ phò mã Nguyễn Văn Trị cùng 5 cô em khác để chờ ngày hành hình.
Tìm hiểu về gia thế và hậu duệ của các lãnh tụ Tây Sơn là một trách nhiệm, tình cảm và là vấn đề khoa học lý thú nhưng rất khó khăn. Chúng ta mong chờ những nỗ lực nghiên cứu mới.
(còn nữa)
. Theo địa chí Bình Định
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
2 Quách Tấn, sđd, tr. 27 cho biết bà Phạm Thị Liên quê thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn.
3 Có ý kiến cho rằng: Bà họ Phạm quê ở Phú Phong sinh 2 con trai là Quang Thuỳ và Quang Bàn thì mất. Vợ kế là Bùi Thị Nhạn sinh được 5 người con: 3 con trai là: Quang Toản, Quang Thiệu, Quang Khanh và 2 người con gái. Bà Bùi Thị Nhạn được lập Chính cung hoàng hậu, Quang Toản được lập Thái tử (Nguyễn Xuân Nhân, Những ngôi sao Tây Sơn , XB. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 105).
1 Thư của Le Labousse năm 1793, BEFEO, 1903, T.XVII, tr. 30
1 Đỗ Bang- Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, sđd, tr. 27-36.
2 ĐNTL, tập II, sđd, tr. 344.
1 ĐNTL, tập III, sđd, tr. 35.